South China Morning Post dẫn lời các cố vấn và nhà quan sát ngoại giao nội địa cũng như quốc tế cho rằng Trung Quốc cần xem xét lại chiến lược tuyên truyền hình ảnh của nước này, dù họ cơ bản đã khống chế tốt dịch bệnh và đang là nguồn cung khẩu trang, vật tư y tế cho toàn thế giới.
Theo các nhà quan sát, các chiến dịch ngoại giao phô trương và cách tiếp cận hung hăng trước những lời chỉ trích sẽ gây phản tác dụng trong lúc Bắc Kinh mong muốn ổn định các quan hệ quốc tế.
Hành xử bất nhất
Theo South China Morning Post, những lời kêu gọi Bắc Kinh xem xét lại cách ứng xử là chủ đề cuộc thảo luận đang diễn ra trong nội bộ Trung Quốc cũng như tại diễn đàn quốc tế, trong bối cảnh Trung Quốc muốn được công nhận là một cường quốc có trách nhiệm và năng lực đóng góp vào các vấn đề toàn cầu.
Sau khi hầu như đã kiểm soát thành công dịch bệnh, Trung Quốc trở thành nhà cung cấp lớn nhất thế giới về khẩu trang, quần áo bảo hộ, và các loại thiết bị y tế khác trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19. Thế nhưng, chỉ vài tháng trước, tình thế hoàn toàn trái ngược.
Dữ liệu công bố chính thức cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 2 tỷ khẩu trang và 25 triệu bộ quần áo bảo hộ trong giai đoạn 24/1 đến 29/2, thời kỳ dịch bệnh đen tối nhất ở nước này. Đây cũng là thời kỳ biến Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu các sản phẩm bảo hộ lớn nhất thế giới, để đáp ứng thiếu hụt nghiêm trọng ở trong nước.
Một số nguồn hàng hóa nhập khẩu đến từ các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc. Một thương nhân nước ngoài giấu tên cho biết chính phủ Trung Quốc đã tìm tới đề nghị giúp đỡ, đồng thời yêu cầu giữ kín các giao dịch.
Đến lúc dịch bệnh bùng phát ở các nước phương Tây trong khi đã bị kiểm soát ở Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc bắt đầu vận chuyển hàng hóa y tế tới châu Âu và các quốc gia khác. Và đó là một chiến dịch tuyên truyền khá ồn ào.
Hàng viện trợ y tế của Trung Quốc gửi tới Philippines. Ảnh: AP. |
Những người chỉ trích cáo buộc Trung Quốc đang tô vẽ vì đã kiểm soát thành công virus, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo thế giới chống đại dịch, trong khi làm ngơ trước những sai lầm trong thời gian đầu dịch bệnh bùng phát vào tháng 12/2019, bao gồm che giấu và công bố thông tin không chính xác.
Các nhà quan sát cũng cho rằng sự hung hăng, đôi khi thiếu chuyên nghiệp và phi ngoại giao, đến từ phát biểu của các nhà ngoại giao Trung Quốc đã làm mất đi sự đồng cảm của thế giới đối với Bắc Kinh.
Một bài viết do truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải thậm chí cho rằng Mỹ và thế giới nợ Trung Quốc "một lời xin lỗi và cảm ơn". Các chuyên gia nhận định những bài viết như thế này không giúp ích trong cải thiện cái nhìn của thế giới đối với Bắc Kinh.
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã đã bị Bộ Ngoại giao Pháp yêu cầu giải thích về bình luận trên website của đại sứ quán cho rằng Pháp đã bỏ mặc người lớn tuổi tử vong vì Covid-19 tại nhà dưỡng lão.
Đánh mất thiện cảm của quốc tế
Một cố vấn của chính phủ Trung Quốc đề nghị giấu tên cho biết đại dịch đã mang lại những cơ hội cho Bắc Kinh để cải thiện các mối quan hệ quốc tế, tuy nhiên kết quả được cho là "trái ngược rõ ràng".
"Chúng ta tôn vinh quá mức các ưu điểm của Trung Quốc trong chiến thắng trước virus corona, điều này không thuyết phục được các nước phương Tây. Chúng ta gửi hàng tiếp tế cho một số nước châu Âu chọn lọc càng tạo thêm một tầng nghi ngờ, rằng sự trợ giúp này có mục tiêu chính trị, đe dọa sự đoàn kết của khối", chuyên gia Trung Quốc giấu tên nhận định.
Một vấn đề khác là một số sản phẩm y tế từ Trung Quốc xuất khẩu tới nhiều quốc gia được phát hiện kém chất lượng.
Trung Quốc đã siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm y tế xuất khẩu từ tháng 4, trong khi các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh cần thêm những hành động khác để xoa dịu sự ác cảm. Sức ép yêu cầu tiến hành điều tra nguồn gốc của virus đang ngày càng gia tăng, trong bối cảnh Mỹ và nhiều nước phương Tây gây áp lực buộc Bắc Kinh minh bạch hơn.
Trung Quốc sẽ bước vào kỳ họp của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), khai mạc ngày 18/5, với áp lực từ Mỹ và nhiều nước yêu cầu mở cuộc điều tra về nguồn gốc của virus gây ra đại dịch Covid-19, và cách Trung Quốc ứng phó với dịch trong giai đoạn đầu.
Theo Reuters, Trung Quốc cũng liên tiếp tổ chức họp trực tuyến với các nước đồng minh trong khu vực Thái Bình Dương và vùng Caribbean để tìm kiếm sự ủng hộ ngay trước cuộc họp của WHA.
Trước đó, Trung Quốc đã gây áp lực buộc EU phải thay đổi một bản báo cáo về việc Bắc Kinh đưa ra thông tin sai lệch về Covid-19, cố gắng tác động để báo cáo có nhận xét tích cực hơn về cách chống dịch của Trung Quốc.
EU tuyên bố "không cúi đầu" trước các áp lực, trong khi Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc họ tham gia vào chiến dịch đưa ra thông tin sai lệch trong đại dịch.
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã bị triệu tập giải thích về bình luận về tình hình dịch bệnh của nước sở tại. Ảnh: Reuters. |
Cố vấn của chính phủ Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần có cách tiếp cận mềm mỏng và thực tế hơn. "Không thể thuyết phục bất kỳ ai chỉ bằng lời nói, nói phải đi đôi với làm, dù điều đó sẽ cần thời gian".
Louis Kuijs, giám đốc tổ chức bộ phận kinh tế châu Á tại tổ chức tư vấn Oxford Economics, cũng cho rằng Bắc Kinh cần điều chỉnh hình ảnh.
"Trung Quốc thực sự sẽ phải suy nghĩ nghiêm túc làm thế nào để cứu vãn vị thế và hình ảnh quốc tế, nếu đây là điều họ cho là quan trọng vào lúc này", ông Kuijs nói.
Chuyên gia của Oxford Economics cho rằng hành động của nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc ở châu Âu, những người "được cho phép liều lĩnh sử dụng phong cách ngoại giao hung hăng", đi ngược lại truyền thống "thao quang dưỡng hối", và điều này đã phản tác dụng, đặc biệt ở các nước châu Âu. "Thao quang dưỡng hối" là một thành ngữ nổi tiếng và được dùng bởi cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, với ý nói Trung Quốc nên "ẩn mình chờ thời".
Ông Kuijs cũng miêu tả một số phản ứng của Trung Quốc đối với chính quyền Tổng thống Trump là "không tinh tế" và cảnh báo cách tiếp cận tương tự sẽ gây mất thiện cảm ở nhiều nước khác.