Trước khi bắt đầu cuộc điện thoại với Tổng thống đắc cử Donald Trump, CEO Daniel Ek của Spotify, nền tảng phát nhạc trực tuyến với hơn 551 triệu người dùng, đã chuẩn bị kĩ lưỡng.
Ông Ek chia sẻ với tổng thống đắc cử về thống kê ấn tượng từ lần xuất hiện của ông trên podcast do Joe Rogan dẫn chương trình và được phát trên Spotify.
Động thái này của ông Ek được cho là một nước đi tinh tế trong nỗ lực giành cảm tình từ ông Trump, CNN nhận định.
Ông Ek chỉ là một trong số hàng chục CEO liên lạc hoặc đến tận Mar-a-Lago để gặp ông Trump kể từ khi chính trị gia gốc New York giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào đầu tháng 11. Những tên tuổi trong giới doanh nghiệp này hầu như đều đóng góp ít nhất 1 triệu USD cho ủy ban nhậm chức của ông Trump, theo CNN.
CEO Daniel Ek của Spotify. Ảnh: Reuters. |
"Cơn lốc" CEO đổ về Mar-a-Lago gần đây cũng phản ánh nỗ lực của các lãnh đạo doanh nghiệp trong việc tìm cách xích lại gần tổng thống đắc cử, qua đó thúc đẩy những chính sách có thể ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ.
Ví dụ điển hình cho hiện tượng này được thể hiện qua việc CEO Elon Musk của Tesla ngày 18/12 (giờ địa phương) góp phần chặn đứng dự luật chi tiêu lưỡng đảng trước Quốc hội, khiến chính phủ Mỹ suýt phải đóng cửa.
Sau khi liên tục công khai ủng hộ ông Trump và chi hơn 260 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa, tỷ phú Musk đã trở thành đồng minh thân cận của tổng thống đắc cử, qua đó bước vào hàng ngũ những nhân vật có tiếng nói tại Washington, theo CNN.
Người đàn ông giàu nhất hành tinh, cùng với doanh nhân Vivek Ramaswamy, đã được bổ nhiệm làm đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) chỉ ít lâu sau khi ông Trump đắc cử.
Bên cạnh hai tỷ phú Musk và Ek, ông Trump cũng đã gặp mặt và trò chuyện với một loạt tên tuổi "cộm cán" trong giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, bao gồm CEO Mark Zuckerberg của Meta, CEO Sundar Pichai của Google, nhà đồng sáng lập Sergey Brin của Apple, CEO Tim Cook của Apple và nhà sáng lập Jeff Bezos của Amazon.
"Cơn lốc" CEO
Trong bài phát biểu dài gần một giờ tại cuộc họp báo ở Mar-a-Lago ngày 16/12 (giờ địa phương), ông Trump đã so sánh sự khác biệt về quá trình chuyển giao quyền lực hiện nay và năm 2016.
"Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ai cũng chống lại tôi", chính trị gia 78 tuổi nói. "Nhiệm kỳ này, mọi người đều muốn làm bạn với tôi".
Những CEO đã gặp mặt tổng thống đắc cử đều chuẩn bị chiến lược kỹ càng, CNN dẫn nguồn tin nội bộ cho biết.
Chiến thuật phổ biến được sử dụng trong những cuộc trò chuyện với ông Trump xoay quanh các vấn đề ưa thích của tổng thống đắc cử như gia tăng sản xuất và tạo cơ hội việc làm ở Mỹ.
Cùng lúc đó, các CEO không quên lồng ghép những vấn đề liên quan trực tiếp đến việc kinh doanh của họ.
Tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, từng có mối quan hệ "trắc trở" với ông Trump sau khi mua lại tờ Washington Post. Ảnh: New York Times. |
Susie Wiles, người được đề cử làm Chánh văn phòng Nhà Trắng trong chính quyền mới, đang lên kế hoạch cho nhiều cuộc họp. Một vài CEO tìm cách tiếp cận đội ngũ của ông Trump thông qua bà Wiles trong khi số khác gọi điện thẳng cho tổng thống đắc cử, theo CNN.
Một số CEO chỉ mới gặp và giới thiệu bản thân với ông Trump kể từ sau cuộc bầu cử, trong khi một số khác tìm cách thắt chặt mối quan hệ với tổng thống đắc cử trong bốn năm tới, đồng thời thăm dò lập trường của ông Trump về mảng kinh doanh.
Một số đồng minh của ông Trump nhấn mạnh rằng bản thân tổng thống đắc cử và những người ủng hộ ông ấy kỳ vọng nhiều hơn từ các CEO chứ không chỉ đơn thuần là những khoản đóng góp, với điển hình là nhà đồng lãnh đạo Ted Sarandos của Netflix.
Ông Sarandos, người từ lâu đã được biết đến với tư cách là một nhà tài trợ cho đảng Dân chủ, đã gặp trực tiếp ông Trump hồi giữa tháng 12, theo CNN.
"Netflix có thỏa thuận nhiều năm với ông (Barack) Obama và hội đồng quản trị của công ty này cũng có ghế của Susan Rice (cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời ông Obama)", một nguồn tin thân cận với ông Trump nói với CNN. "Chúng tôi muốn biết liệu Netflix có sẵn sàng trao một ghế trong hội đồng quản trị cho đảng viên Cộng hòa hay không".
Hiện chưa rõ hai ông Trump và Sarandos có thảo luận về vấn đề nói trên trong cuộc gặp gần nhất hay không. Netflix từ chối yêu cầu bình luận của CNN.
Định hình chính sách
Đối với nhiều lãnh đạo ở Thung lũng Silicon, việc gặp mặt ông Trump là một cách để "phá băng" mối quan hệ với tổng thống đắc cử trong quá khứ.
Ông Trump đã nhận nhiều khoản ủng hộ cho lễ nhậm chức với trị giá trên 1 triệu USD từ các "ông lớn" trong ngành công nghệ như Meta, Amazon, Open AI và Uber.
Trong quá khứ, các tỷ phú công nghệ như Bezos hay Zuckerberg đều từng có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với ông Trump song họ đều đã được mời đến dùng bữa tại tư gia Mar-a-Lago sau khi chính trị gia gốc New York đắc cử.
CEO Mark Zuckerberg của Meta đã được mời đến dùng bữa tối tại tư gia Mar-a-Lago của ông Trump. Ảnh: Reuters. |
Những cuộc trò chuyện giữa ông Trump và các lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ xoay quanh việc xây dựng mối quan hệ cá nhân. Bản thân tổng thống đắc cử sẽ sớm phải quyết định xem những cuộc trò chuyện này có ảnh hưởng đến đường lối chính sách trong nhiệm kỳ tiếp theo của ông hay không, CNN nhận định.
Một trong những vấn đề nổi bật chính là số phận của TikTok ở Mỹ. CEO Shou Chew của mạng xã hội này đã đến gặp ông Trump ở Mar-a-Lago trong bối cảnh TikTok yêu cầu một phiên điều trần trước Tòa án Tối cao về việc nền tảng này có bị cấm ở Mỹ hay không.
Phiên điều trần xoay quanh vấn đề cấm TikTok có vi phạm Tu chính án thứ nhất của Mỹ hay không dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2025.
Một vấn đề nổi bật khác được đề cập trong các buổi đối thoại của ông Trump với lãnh đạo doanh nghiệp là về giá dược phẩm ở Mỹ.
Sau khi cùng Robert F. Kennedy Jr., ứng viên Bộ trưởng Y tế, gặp mặt lãnh đạo các "ông lớn" trong ngành dược phẩm gồm Eli Lily, Pfizer và PhRMA, tổng thống đắc cử nói: "Một điều được rút ra là chúng ta chi quá nhiều tiền cho dược phẩm, nhiều hơn so với các quốc gia khác. Chúng ta có những trở ngại về mặt pháp lý nên không giảm giá thuốc được và tồn tại những người trung gian".
"Những người trung gian này kiếm nhiều tiền hơn các công ty dược phẩm và họ chẳng làm gì cả, họ chỉ đơn giản là những người trung gian", ông Trump nói. "Chúng ta sẽ loại bỏ những người này và giảm giá thuốc xuống mức thấp chưa từng thấy".
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.