Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'5 tiểu thương thì 4 người nhiễm virus' - hiểm họa từ chợ ở Mỹ Latin

Các khu chợ trở thành tâm điểm nơi virus corona bùng phát tại nhiều quốc gia Mỹ Latin, trong bối cảnh các chính phủ không sẵn sàng và mạnh tay đóng cửa.

Tại chợ hoa quả trung tâm Lima, thủ đô của Peru, cứ 5 tiểu thương thì 4 người xét nghiệm dương tính với virus corona. Đây là kết quả gây sốc hé lộ mức độ lây lan dịch bệnh nhanh chóng không chỉ tại Peru mà còn xảy ra khắp Mỹ Latin, làm dấy lên quan ngại các chợ dân sinh truyền thống đang trở thành ổ dịch khiến virus bùng phát.

Xét nghiệm công bố tuần qua cho thấy 79% tiểu thương tại chợ đầu mối bán buôn hoa quả trung tâm Lima có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Xét nghiệm tại các chợ thực phẩm tươi sống khác ở Lima cho thấy ít nhất 50% tiểu thương nhiễm bệnh.

Không đóng cửa chợ dù đã thành ổ dịch

Kết quả xét nghiệm xuất hiện trong bối cảnh nhà chức trách từ thủ đô của Mexico tới Rio de Janeiro của Brazil đang chật vật tiến hành giãn cách xã hội và thực thi các biện pháp vệ sinh tại các chợ bán buôn và bán lẻ, vốn là xương sống của nền kinh tế các quốc gia.

Khu vực Mỹ Latin đang lao đao khi số người tử vong vì nhiễm virus corona tăng nhanh. Mexico và Brazil, các quốc gia nơi giới lãnh đạo cấp cao bị cáo buộc cố tình giảm nhẹ sự nghiêm trọng của đại dịch, tuần qua ghi nhận ngày có số ca tử vong kỷ lục từ khi dịch bệnh bùng phát.

Trong khi đó, dù là quốc gia áp dụng các biện pháp phong tỏa gắt gao nhất khu vực suốt hai tháng qua, Peru lại là nước ghi nhận đồng thời số ca nhiễm mới và số ca tử vong cao nhất kể từ khi virus corona tấn công Nam Mỹ.

Tổng thống Peru Martin Vizcarra cho biết các thương nhân nhiễm bệnh tại Lima sẽ được cách ly, tuy nhiên ông từ chối đóng cửa các khu chợ khi cho rằng có thể gây ra tình trạng thiếu hụt thực phẩm. Quân đội và cảnh sát được triển khai đến đây để đo nhiệt độ tất cả người ra vào.

virus lay lan tu cho thuc pham anh 1

Hoạt động mua bán diễn ra tấp nập tại chợ hoa quả trung tâm Lima. Ảnh: Reuters.

"Các khu chợ rõ ràng là lý do lớn nhất của sự lây lan dịch bệnh, đó là nguyên nhân biện pháp cách ly của Peru không phát huy tác dụng", Eduardo Zegarra, điều tra viên của Grade, tổ chức nghiên cứu phát triển tại Lima, cho biết. Ông Zegarra từng là phó thị trưởng thủ đô Lima của Peru.

Các chuyên gia tại Peru hiện kêu gọi chính quyền đóng cửa các khu chợ và ban bố tình trạng vệ sinh khẩn cấp.

Bất chấp đại dịch, nhà chức trách thủ đô Lima vẫn cho phép hơn 1.200 chợ dân sinh mở cửa. Để kiểm soát dịch bệnh, họ tiến hành kiểm tra y tế, những người nhiễm virus, hầu hết không có triệu chứng, được yêu cầu cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở của chính phủ.

Tuy nhiên, chuyên gia từ Grade cho rằng các chợ bán buôn là "ổ lây bệnh khổng lồ" của thành phố.

Santa Anita, chợ bán buôn lớn nhất thủ đô Lima, có tới 30.000 tiểu thương và lao động hoạt động, buôn bán tới 8.000 tấn thực phẩm mỗi ngày. Tại đây, hàng chục ca nhiễm bệnh và ít nhất 1 người tử vọng đã được ghi nhận, liên quan tới những người lao động.

Số liệu liên quan tới chợ Santa Anita làm dấy lên lo ngại virus có thể đã lây lan giữa hàng nghìn người, không chỉ trong phạm vi chợ, mà còn cả các tài xế xe tải vốn di chuyển khắp các thành phố tại Peru, và sang các quốc gia láng giềng.

"Tôi lo sợ tình trạng này sẽ làm bùng phát làn sóng đại dịch thứ hai. Sự lây lan giữa các tiểu thương ở mức cao, tôi không biết họ đã mang virus trong bao lâu và đã truyền bệnh cho bao nhiêu người", ông Zegarra cho biết.

Hàng chục nghìn người đến chợ mỗi ngày

Chợ bán buôn CEAGESP ở Sao Paulo, một trong những chợ lớn nhất Nam Mỹ, đã ghi nhận số ca nhiễm virus corona được miêu tả là "không đếm xuể", trong khi số ca tử vong là 30, theo lời Cláudio Furquim, chủ tịch công đoàn những nhà phân phối hàng hóa của chợ.

"Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì các ca tử vong, nhưng nếu xét tới có 40.000 người tới chợ mỗi ngày, con số trên may mắn là vẫn khá thấp", ông Furquim cho biết.

Tuần qua, truyền thông Brazil đăng tải các bản tin cho thấy đám đông khách hàng và tiểu thương đứng san sát nhau tại các chợ ở Brazil, phần lớn không đeo khẩu trang.

Trong bản tin của đài TV Record, một người Brazil tên Diego Hipolito cho biết chú của người này, làm nghề tài xế xe tải, đến chợ mỗi ngày và vẫn làm việc dù đã ngã bệnh với các triệu chứng của người nhiễm virus corona. Người này cuối cùng đã tử vong.

virus lay lan tu cho thuc pham anh 2

Nhân viên cộng đồng tẩy uế một khu chợ ở Lima. Ảnh: Reuters.

"Tôi nghĩ ông ấy có lẽ đã truyền bệnh cho người khác", Hipolito cho biết.

Các khu chợ đóng vai trò quan trọng trong nền văn hóa và kinh tế của các nước Mỹ Latin, dù những ông lớn ngành bán lẻ như Walmart đang nhanh chóng mở rộng tại khu vực này. Chính vai trò quan trọng của các khu chợ đã khiến chúng trở thành mấu chốt trong chuỗi lây lan dịch bệnh.

Corabastos, chợ bán buôn lớn nhất Colombia gần thủ đô Bogota, đang trở thành tâm điểm bùng phát dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ này. Tuần trước, thị trưởng Bogota Claudia Lopez cho biết phần lớn khu chợ sẽ chỉ hoạt động với 35% công suất, sau khi 30 ca nhiễm được phát hiện.

Giám đốc cơ quan y tế thành phố, ông Alejandro Gomez thừa nhận chính quyền địa phương đã có thể ứng phó tốt hơn, tuy nhiên viện dẫn lý do về nguồn cung thực phẩm.

"Chúng tôi không thể để Corabastos trở thành nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân Bogota, nhưng cũng không thể để xảy ra khan hiếm thực phẩm", ông Gomez nói.

Phản ứng của chính quyền Bogota đã nhận về nhiều chỉ trích. Jorge Colmenares, thành viên phe đối lập trong hội đồng thành phố, cho rằng việc virus corona tấn công vào khu chợ cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người dân là do "sự bất cẩn của chính quyền thành phố Bogota".

Central de Abasto, chợ bán buôn ở Mexcio City, thủ đô của Mexico, là nơi tiếp nhận hàng hóa từ khắp cả nước, cũng như cung cấp nhu yếu phẩm cho toàn bộ thủ đô. Tại đây, ít nhất 25 ca dương tính và 2 ca tử vong vì virus corona đã được phát hiện. Tuy nhiên, truyền thông địa phương cho rằng số ca nhiễm bệnh thực tế cao hơn nhiều.

Chỉ sau thời gian ngắn cách ly, chính quyền Mexcio đã công bố kế hoạch tái mở cửa nền kinh tế. Dù tỏ ra cảm thôi với lời kêu gọi mở cửa trở lại, Cornejo vẫn lo sợ điều tồi tệ nhất của dịch bệnh vẫn đang ở phía trước.

"Về mặt kinh tế, đã đến lúc mở cửa lại. Nhưng về mặt sức khỏe, tôi lo ngại, tôi chưa nghĩ chúng ta đã qua thời điểm tệ nhất. Tôi đã trải qua đại dịch H1N1 và động đất, nhưng chưa bao giờ chứng kiến điều gì tương tự", Cornejo nói.

Giãn cách xã hội bất khả thi tại nơi 250 người chung một nhà vệ sinh

Giãn cách xã hội trở nên bất khả thi tại tòa nhà ở Jakarta - nơi hơn 250 người tị nạn chung sống trong cảnh chật chội, nước sạch hạn chế, và chỉ có một nhà vệ sinh.

Những nhà tù chật ních ở Honduras giữa đại dịch

Hàng trăm tù nhân chen chúc trong những căn phòng vốn chỉ dành cho 70 người, họ chỉ được lấy nước vài lần một tuần và phải chia sẻ một phòng tắm.

Ong Trump len tieng hinh anh

Ông Trump lên tiếng

0

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã lên tiếng về các quyết định của công tố viên nhằm hủy bỏ cáo buộc can thiệp bầu cử và vụ kiện tài liệu mật chống lại ông.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm