“Chúng tôi thông cảm với tình hình bùng phát dịch hiện tại ở Triều Tiên”, ông Triệu tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, theo AFP.
“Là láng giềng và người bạn, Trung Quốc sẵn sàng cung cấp sự giúp đỡ và hỗ trợ toàn diện cho Triều Tiên trong cuộc chiến chống lại đại dịch”, ông Triệu tuyên bố. Dù vậy, ông Triệu không đề cập tới các biện pháp hỗ trợ cụ thể mà Bắc Kinh sẽ thực hiện.
Ngày 12/5, Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCNA) chính thức xác nhận nước này phát hiện hai ca mắc Covid-19. Các bệnh nhân này dương tính dòng phụ BA.2 của chủng Omicron, KCNA thông báo. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên ghi nhận các ca bệnh Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch trên đường phố Bình Nhưỡng, tháng 5/2020. Ảnh: Reuters. |
Để đối phó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc. Theo đó, các nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa “để ngăn chặn lây lan của virus”.
“Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trấn an chúng ta rằng vì nhận thức chính trị cao của người dân, chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua tình trạng khẩn cấp này và sẽ chiến thắng dự án cách ly khẩn cấp”, KCNA đưa tin.
Giới chuyên gia nhận định khoảng 25 triệu người Triều Tiên dễ bị tổn thương bởi Covid-19 do nước này chưa tổ chức chương trình tiêm chủng cho nhân dân - bất chấp việc Bình Nhưỡng nhận được đề nghị hỗ trợ vaccine từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung Quốc và Nga.
Thay vào đó, Triều Tiên lựa chọn phương án phong tỏa chặt chẽ biên giới đất nước. Năm 2020, giới chức Triều Tiên từng phong tỏa thành phố biên giới Kaesong trong 3 tuần do một ca có triệu chứng Covid-19. Dù vậy, WHO cho biết kết quả xét nghiệm của người này là “không rõ ràng”, theo Reuters.