Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Trung Quốc toan tính gì khi xây thêm hàng trăm hầm phóng tên lửa?

Việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng căn cứ thứ 2 với hàng trăm hầm phóng tên lửa hạt nhân làm dấy lên những câu hỏi về chiến lược răn đe hạt nhân mới của Bắc Kinh.

ten lua hat nhan trung quoc anh 1

Trên khu vực sa mạc khô cằn rộng lớn ở Tân Cương, Trung Quốc đang tiến hành hoạt động xây dựng một căn cứ tên lửa hạt nhân mới, với 110 hầm phóng tên lửa, New York Times đưa tin ngày 26/7.

Đây đã là căn cứ tên lửa hạt nhân thứ hai mà Bắc Kinh đang tiến hành xây dựng và được phát hiện thông qua ảnh vệ tinh trong những tuần gần đây.

Căn cứ tên lửa mới có thể là chỉ dấu cho thấy Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Điều này là dễ hiểu bởi sau nhiều thập kỷ kiềm chế để tập trung vào phát triển trở thành siêu cường kinh tế - công nghệ, giờ là lúc Bắc Kinh sẵn sàng ganh đua với Washington và Moscow trên mặt trận quân sự.

Nhưng những căn cứ tên lửa hạt nhân mới ấy cũng có thể đơn giản chỉ là con bài để đàm phán với Mỹ.

ten lua hat nhan trung quoc anh 2

Căn cứ tên lửa ở thành phố Hami, tỉnh Tân Cương. Nguồn: Hiệp hội khoa học gia Mỹ.

Căn cứ bất thường

Một trong những điểm khó hiểu là căn cứ tên lửa hạt nhân của Trung Quốc dường như được xây dựng để có thể bị phát hiện.

Bãi phóng tên lửa mới nhất của Trung Quốc nằm ở phía đông Tân Cương, từ lâu đã nằm dưới sự quan sát của phương Tây.

Cơ sở này được phát hiện bởi các chuyên gia hạt nhân tại Hội liên hiệp các nhà khoa học Mỹ, thông qua ảnh vệ tinh của Planet Labs.

Trước đó, ảnh vệ tinh cũng giúp các chuyên gia hạt nhân phát hiện một bãi phóng khác đang được xây dựng ở Ngọc Môn, tỉnh Cam Túc.

Từ sau lần thử hạt nhân đầu tiên vào cuối thập niên 1960, Trung Quốc luôn duy trì lực lượng hạt nhân nước này ở mức độ được Bắc Kinh miêu tả là "răn đe tối thiểu".

Các chuyên gia nước ngoài tin rằng Trung Quốc có khoảng 300 vũ khí hạt nhân, dù Bắc Kinh chưa bao giờ chính thức xác nhận. Nếu con số trên là chính xác, số vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ít hơn gấp 5 lần so với kho vũ khí được Nga và Mỹ triển khai.

Trong số các cường quốc hạt nhân, Bắc Kinh luôn tránh sa vào những cuộc chạy đua vũ khí tốn kém và nguy hiểm.

ten lua hat nhan trung quoc anh 3

Hình ảnh các hầm tên lửa đang được xây dựng. Nguồn: Hiệp hội khoa học gia Mỹ.

Nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, mọi chuyện dường như đã thay đổi.

Trung Quốc ngày càng hung hăng với các hành động quân sự - dân sự kết hợp trên Biển Đông, đe dọa Đài Loan, siết chặt kiểm soát Hong Kong, ồ ạt tiến hành tấn công mạng. Và giờ, vũ khí hạt nhân dường như là lĩnh vực tiếp theo Bắc Kinh sẵn sàng thách thức các siêu cường.

"Xây dựng căn cứ tên lửa là sự mở rộng đáng chú ý nhất từ trước đến nay đối với kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc", hai chuyên gia của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ là Matt Korda và Hans Kristensen bình luận.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc duy trì hoạt động của 20 hầm phóng tên lửa hạt nhân DF-5.

Tại căn cứ Ngọc Môn, Trung Quốc đang xây dựng 120 hầm phóng tên lửa. Còn ở căn cứ Hami, 110 hầm phóng tên lửa đang được xây dựng. Như vậy, Trung Quốc sẽ có thêm 230 hầm phóng tên lửa hạt nhân khi hai căn cứ Ngọc Môn và Hami hoàn thành.

Trung Quốc toan tính gì?

Vì sao Trung Quốc quyết định thay đổi chiến lược hạt nhân của nước này? Có một số giả thuyết để giải thích cho cách tiếp cận mới của Bắc Kinh.

Giả thuyết đơn giản nhất là Trung Quốc giờ đã tự coi nước này là một siêu cường kinh tế, công nghệ, quân sự toàn diện, Bắc Kinh muốn một kho vũ khí hạt nhân tương xứng với vị thế ấy.

Một giả thuyết khác là Trung Quốc đang cảm thấy bị đe dọa. Lúc này, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang ngày càng hoàn thiện và hiệu quả. Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang gấp rút xây dựng lực lượng hạt nhân.

Nga cũng mới ra mắt các loại vũ khí siêu thanh và tự động mới. Trong bối cảnh ấy, Bắc Kinh sẽ muốn nâng tầm khả năng răn đe hạt nhân của mình.

Giả thuyết thứ ba là Trung Quốc lo ngại các tên lửa mặt đất dễ trở thành mục tiêu tấn công.

Với việc xây dựng hơn 200 hầm phóng ngầm, trải rộng ở nhiều địa điểm, Bắc Kinh có thể ngụy trang cho vũ khí của mình, giúp tăng khả năng sống sót của chúng. Đó là một chiến thuật đã có từ khi vũ khí hạt nhân ra đời.

ten lua hat nhan trung quoc anh 4

Sơ đồ vị trí các hầm tên lửa tại căn cứ ở Hami. Nguồn: Hiệp hội khoa học gia Mỹ.

"Chỉ bởi vì họ xây các hầm phóng không có nghĩa là họ sẽ nhét đầy tên lửa vào tất cả những hầm phóng đó. Họ có thể đơn giản là di chuyển tên lửa từ chỗ này sang chỗ khác", giáo sư Vipin Narang, chuyên gia về chiến lược hạt nhân tại Viện công nghệ Masachusetts, nhận định.

Và đương nhiên, Bắc Kinh cũng có thể dùng hàng trăm hầm phóng tên lửa làm lá bài mặc cả.

Trung Quốc tin rằng không sớm thì muộn, họ cũng sẽ bị kéo vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với Mỹ và Nga, điều mà cựu Tổng thống Donald Trump từng tìm cách thúc ép Bắc Kinh suốt 4 năm tại vị.

Ông Trump khi đó tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận New START với Nga nếu không có sự tham gia của Trung Quốc. Bắc Kinh thẳng thừng bác bỏ ý tưởng này, nói rằng nếu Washington quá lo ngại như vậy, hãy cắt giảm số đầu đạn hạt nhân xuống bằng mức của Trung Quốc.

Tới cuối thời Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ đã đề nghị Trung Quốc minh bạch hơn, tham gia soạn thảo một thỏa thuận kiểm soát vũ khí bao gồm tất cả các hạng mục vũ khí hạt nhân.

"Đã đến lúc Trung Quốc ngừng cố chấp và bắt đầu hành xử có trách nhiệm", ông Pompeo cho biết.

Nhưng Tổng thống Joe Biden sau này cho rằng việc bỏ rơi New START với Nga chỉ vì Trung Quốc từ chối gia nhập là bước đi thiếu khôn ngoan.

Chính quyền ông Biden nhanh chóng gia hạn New START với Nga, nhưng vẫn tuyên bố muốn Trung Quốc tham gia vào một hình thức thỏa thuận kiểm soát vũ khí trong tương lai. Dù vậy, vẫn chưa có bất cứ cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí nào giữa Washington và Bắc Kinh.

Sự im lặng từ Washington

Tuần này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã tới Trung Quốc. Bà Sherman là quan chức ngoại giao cấp cao đầu tiên của chính quyền Biden tới thăm Bắc Kinh.

Hiện chưa rõ vũ khí hạt nhân có nằm trong chương trình nghị sự kín hay không. Sau Trung Quốc, Thứ trưởng Sherman sẽ tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân với Nga.

Tại Nhà Trắng, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ chối bình luận về bằng chứng việc Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân.

Nhiều khả năng các vệ tinh do thám của chính phủ Mỹ đã phát hiện những căn cứ tên lửa mới của Trung Quốc từ nhiều tháng trước. Nhưng thông tin chỉ được công chúng biết đến sau công bố của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ.

ten lua hat nhan trung quoc anh 5

Trung Quốc sở hữu tên lửa hạt nhân DF-5. Ảnh: CCTV.

Hồi tháng 2, chính hiệp hội này từng phát hiện Trung Quốc xây dựng mới 14 hầm phóng tên lửa tại căn cứ quân sự ở Jilantai, Nội Mông. Sau đó là phát hiện về căn cứ tên lửa ở Ngọc Môn.

Căn cứ mới nhất của Trung Quốc được các nhà khoa học Mỹ phát hiện nằm ở khu vực hẻo lánh, mà du khách bên ngoài bị cấm tiếp cận tại Hami.

Căn cứ này nằm cách không xa một tổ hợp các tòa nhà không có mái che, một trong 5 tổ hợp quân sự mà Trung Quốc xây dựng súng laser có khả năng bắn ra những chùm tia sáng làm vô hiệu hóa vệ tinh do thám mà đa phần là của Mỹ.

Tại căn cứ ở Hami, mỗi hầm tên lửa cách nhau khoảng 3 km. Toàn bộ khu vực dự kiến là các bãi phóng rộng khoảng 770 km2, tương đương căn cứ ở Ngọc Môn.

Chuyên gia Narang của Viện công nghệ Massachusetts cho biết hai căn cứ tên lửa mới mang lại cho chính phủ Trung Quốc "nhiều lựa chọn".

"Giờ thì rất nhiều mục tiêu mà Mỹ nhắm đến có thể sẽ chỉ là những hầm trống. Họ có thể từ từ đưa tên lửa xuống khi sẵn sàng. Và đây cũng sẽ là đòn bẩy trong đàm phán kiểm soát vũ khí", ông Narang cho biết.

Trung Quốc trao cho Mỹ hai danh sách

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong ngày 26/7 cho biết Bắc Kinh đã trao Washington hai danh sách gồm những đề xuất với Mỹ và các vấn đề Trung Quốc cho là quan trọng.

Kế hoạch hàng tỷ USD để chế vaccine nguyên mẫu chống 20 họ virus

Kế hoạch của các nhà khoa học Mỹ là phát triển vaccine nguyên mẫu có khả năng bảo vệ con người trước 20 họ virus khác nhau có nguy cơ tạo ra đại dịch mới trong tương lai.

Bé trai 10 tuổi ở Mỹ chết vì biến chứng dịch hạch

Nhà chức trách bang Colorado cảnh báo người dân thực hiện các biện pháp an toàn để tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ mắc dịch hạch.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm