Trước hành động tập thể của phương Tây bao vây, cô lập gần như toàn bộ nền kinh tế Nga sau khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự chống Ukraine, giới chức Trung Quốc bắt đầu có những động thái phòng ngừa tránh để gặp phải hoàn cảnh tương tự, theo Financial Times.
Toan tính của Trung Quốc
Mới đây, giới chức Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các ngân hàng trong và ngoài nước để thảo luận cách thức Bắc Kinh có thể bảo vệ tài sản của mình ở nước ngoài, trong trường hợp hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Bắc Kinh lo ngại có thể bị phương Tây để ý nếu Trung Quốc vướng vào cuộc xung đột quân sự trong bối cảnh các tranh chấp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày một nóng hơn.
Các ngân hàng cũng như giới doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay tỏ ra dè chừng, không muốn tiếp tục giao dịch với các đối tác Nga do lo ngại có thể bị phương Tây trừng phạt.
Mỹ cảnh báo Trung Quốc sẽ gánh chịu hậu quả nếu giúp đỡ Nga lách các lệnh cấm vận. Ảnh: Reuters. |
Hôm 22/4, một hội nghị đã được tổ chức với sự tham gia của cả Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cùng lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại lớn như HSBC. Bộ Tài chính Trung Quốc cho hay tất cả ngân hàng thương mại lớn hoạt động tại Trung Quốc đều có mặt, theo Financial Times.
Tại hội nghị, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính cho biết chính quyền Trung Quốc đang cảnh giác cao độ trước đòn trừng phạt đóng băng tài sản bằng đồng USD của Ngân hàng Trung ương Nga mà Mỹ cũng như các đồng minh phương Tây tung ra.
Các đại biểu tham dự hội nghị không đề cập tới bất cứ kịch bản cụ thể nào. Tuy nhiên, các chuyên gia có chung nhận định một khi Trung Quốc sử dụng biện pháp quân sự nhằm vào đảo Đài Loan, phương Tây sẽ có những lệnh trừng phạt tương tự như đang áp dụng với Nga.
"Nếu Trung Quốc xung đột với Đài Loan, sự chia tách giữa kinh tế Trung Quốc và phương Tây sẽ để lại hậu quả nặng nề hơn nhiều, bởi sự hiện diện của nền kinh tế Trung Quốc có ở khắp thế giới", một đại biểu tham dự hội nghị nói.
Andrew Collier, Giám đốc điều hành tổ chức nghiên cứu kinh tế Orient Capital Research, cho rằng Bắc Kinh đã đúng khi lo ngại bởi nước này "có rất ít lựa chọn thay thế trong khi hậu quả (của các lệnh trừng phạt) rất nặng nề".
Không có giải pháp khả thi
Tại hội nghị hôm 22/4, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Yi Huiman và cựu Chủ tịch CSRC Xiao Gang đề nghị các ngân hàng cho ý kiến về biện pháp có thể giúp bảo vệ tài sản của Trung Quốc ở nước ngoài, đặc biệt dự trữ ngoại hối hiện ở mức 3.200 tỷ USD.
Phần lớn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là tài sản bảo đảm bằng đồng USD, trong đó có 1.000 tỷ trái phiếu chính phủ Mỹ.
"Không đại biểu nào có thể đề xuất một giải pháp hữu ích cho vấn đề. Hệ thống ngân hàng Trung Quốc chưa được chuẩn cho tình huống tài sản bằng đồng USD bị đóng băng, hay bị loại khỏi hệ thống SWIFT", một đại biểu nói tại hội nghị.
Một số ngân hàng gợi ý Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu chuyển đổi doanh thu của họ sang đồng nhân dân tệ, qua đó giúp tăng tỷ lệ sở hữu USD trong nước. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu được phép giữ lại một phần doanh thu là ngoại tệ để chi tiêu.
UnionPay đã dừng phát hành thẻ mới cho khách hàng ở Nga. Ảnh: AFP. |
Một số đại biểu khác đề xuất giảm số ngoại tệ mà người dân Trung Quốc được phép sử dụng để du lịch, mua sắm và chi tiêu giáo dục ở nước ngoài xuống mức tối đa 50.000 USD mỗi năm.
Khi được hỏi liệu các ngân hàng Trung Quốc có thể đa dạng hóa tài sản của họ sang tài sản đảm bảo bằng các ngoại tệ mạnh khác như euro và yen hay không, các ngân hàng cho biết ý tưởng này không khả thi.
Tuy nhiên, một số ngân hàng hoài nghi khả năng Washington sẽ cắt đứt quan hệ kinh tế với Bắc Kinh như đang làm với Moscow, xét tới thực tế Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nắm giữ khối tài sản bằng đồng USD khổng lồ, và có quan hệ kinh tế mật thiết với Mỹ.
"Rất khó để Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh tay với Trung Quốc, kịch bản đó tương tự hai nước cùng bị hủy diệt trong chiến tranh hạt nhân", ông Collier nhận định.
Đến nay, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã rút một phần hoặc hoàn toàn hoạt động khỏi Nga.
UnionPay, tập đoàn dịch vụ tài chính Trung Quốc từng được Nga kỳ vọng sẽ thay thế MasterCard và Visa trong lĩnh vực dịch vụ thẻ thanh toán quốc tế, cho biết đã chấm dứt đàm phán với Nga về cấp thẻ thanh toán mới cho khách hàng, theo Nikkei Asia.
Tập đoàn Trung Quốc lo ngại bị đưa vào danh sách trừng phạt của phương Tây nếu tiếp tục làm ăn với các ngân hàng Nga, như thế hoạt động kinh doanh toàn cầu của UnionPay sẽ sụp đổ.
Theo Fortune, chính phủ Trung Quốc cảnh báo 3 công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước tránh rót tiền đầu tư vào các dự án mới ở Nga. Trong tháng 3, tập đoàn dầu khí thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc Sinopec đã dừng đàm phán thành lập liên doanh với công ty hóa dầu lớn nhất của Nga là Sibur.
Theo Bloomberg, hai trong số các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc là Bank of China và Commercial Bank of China đã dừng cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan tới mua hàng hóa của Nga.
Trong khi đó, nhà sản xuất thiết bị bay không người lái DJI tuần qua thông báo sẽ rút khỏi thị trường Nga. Trước đó, tập đoàn công nghệ Huawei cũng dừng nhiều hoạt động kinh doanh tại Nga, South China Morning Post cho biết.