"Chúng tôi đã cố gắng đạt được thỏa thuận mà qua đó Đức có thể chống chọi với tác động từ một lệnh cấm vận dầu mỏ (nhập khẩu từ Nga)", ông Habeck nói hôm 2/5.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng Berlin có thể cứng rắn hơn bằng việc đề xuất lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức.
"Với dầu mỏ và than đá, ngay bây giờ có thể ngưng nhập khẩu từ Nga, dù không loại trừ khả năng giá nhiên liệu sẽ tăng", Bộ trưởng Lindner nói với Welt.
EU đang soạn thảo gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, bao gồm việc cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Moscow. Lệnh cấm của EU được chia thành nhiều giai đoạn và dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2023.
Ông Habeck nói khó khăn chính của Đức là tìm các nguồn cung thay thế cho nhà máy lọc dầu Rosneft của Nga, đang vận hành tại thị trấn Schwedt, Đức. Nơi đây cung cấp nguồn nhiên liệu cho khu vực phía đông cũng như thủ đô Berlin.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck trước cuộc họp nội các tại Berlin ngày 27/4. Ảnh: Reuters. |
“Chúng tôi vẫn chưa có giải pháp cho nhà máy lọc dầu ở Schwedt. Chúng tôi không thể đảm bảo nguồn cung sẽ có liên tục. Chắc chắn sẽ có những đợt tăng giá và ngừng hoạt động, nhưng không có nghĩa chúng tôi sẽ rơi vào khủng hoảng dầu mỏ”, ông Habeck cho biết.
Chính quyền Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang đối mặt với sức ép giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập từ Nga. Cố vấn của ông Scholz nói với Financial Times hôm 1/5 rằng Đức ủng hộ kế hoạch cấm vận của EU đối với dầu mỏ Nga, nhưng muốn có thêm vài tháng để đảm bảo các lựa chọn thay thế.
Trong diễn biến liên quan, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 2/5 cho biết đang tính đến khả năng miễn trừ cho Hungary và Slovakia khỏi lệnh cấm vận nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.
Liên minh châu Âu (EU) dự kiến hoàn tất gói trừng phạt thứ 6 nhắm vào Nga do "chiến dịch quân sự" tại Ukraine, bao gồm lệnh cấm mua dầu của Nga, vốn là nguồn thu chính từ xuất khẩu của Moscow, Reuters đưa tin ngày 2/5.
Để giữ sự thống nhất của khối, Ủy ban châu Âu có thể "miễn trừ hoặc đặt ra thời gian chuyển đổi kéo dài" đối với Hungary và Slovakia, một quan chức EC cho biết.
Các quan chức EU cho biết lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ được thực hiện qua từng giai đoạn, và nhiều khả năng sẽ có hiệu lực bắt đầu từ năm 2023.