Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc tìm mọi cách giữ chân Apple và Foxconn

Nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc diễn ra sau khi các doanh nghiệp quốc tế thể hiện động thái muốn chuyển dịch chuỗi sản xuất ra khỏi nước này.

Trong một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Trung Quốc về những khu vực đáng để đầu tư, chưa đến 50% số doanh nghiệp được hỏi lựa chọn nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Theo CNBC, đây là lần đầu tiên sau 25 năm nước này có xếp hạng thấp như vậy, và đa số doanh nghiệp nước ngoài đều đang tìm cách chuyển dịch các hoạt động sản xuất của mình ra khỏi đây.

Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc nỗ lực giữ chân các doanh nghiệp này bằng những chính sách hỗ trợ tăng trưởng, trong khi Bộ Thương mại thậm chí còn thông báo khởi động chiến dịch "Invest in China Year" (Tạm dịch: Năm đầu tư vào Trung Quốc).

FDI Trung Quoc anh 1
Công nhân trong nhà máy Foxconn tại tỉnh Trịnh Châu (Hà Nam). Ảnh: CNBC.

Nỗ lực của các địa phương

Không chỉ bộ máy trung ương, chính quyền tại nhiều địa phương của Trung Quốc cũng đang cố gắng thu hút vốn đầu tư ngoại.

Vào thứ năm tuần trước tại Hà Nam (Trung Quốc), các lãnh đạo cấp cao của tỉnh này đã đích thân chào đón Chủ tịch Foxconn Young Liu trong chuyến thăm nhà máy của ông để thảo luận thêm về việc mở rộng sản xuất. Trong buổi gặp mặt, chủ tịch và bí thư thành ủy tỉnh Hà Nam đã cam kết sẽ mở ra các chính sách thuận lợi hơn cho Foxconn, cũng như thúc đẩy mọi thảo luận để các vấn đề được giải quyết nhanh hơn.

Được biết, nhà máy Foxconn ở thành phố Trịnh Châu thuộc tỉnh này là nơi sản xuất iPhone lớn nhất thế giới. Trong đợt phong tỏa vừa qua, nhà máy trở thành tâm điểm chú ý khi gần 20.000 công nhân tại đây quyết định bỏ việc và rời đi.

Sau khi Trung Quốc chấm dứt các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt vào tháng 12/2022, nhà máy này đã hoạt động lại bình thường với đội ngũ nhân viên làm việc 2 ca mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu cao của khách hàng.

Theo CNBC, đối với một số tỉnh như Hà Nam, việc duy trì hoặc tăng đầu tư từ các doanh nghiệp quốc tế là cứu cánh duy nhất cho kinh tế cả tỉnh. Số liệu chính thức cho thấy, từ năm 2019 đến nay, nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn chiếm tới gần 85% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này.

Bên cạnh Foxconn, Chính phủ Trung Quốc cũng thể hiện nhiều sự quan tâm đến các công ty đa quốc gia khác như Apple, Pfizer hay Mercedes-Benz khi biên giới quốc tế mở cửa trở lại.

Bộ Thương mại nước này trong buổi họp tuần trước đã thông báo rằng lãnh đạo cấp cao của nhiều công ty sắp tới sẽ ghé thăm Trung Quốc để thúc đẩy kinh doanh. Mercedes-Benz sau đó đã xác nhận rằng Giám đốc Điều hành Ola Kallenius của họ đang sắp xếp kế hoạch, trong khi Pfizer và Apple hiện chưa phản hồi.

FDI Trung Quoc anh 2

Nhiều lãnh đạo của công ty đa quốc gia đang có kế hoạch tới thăm Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Vẫn còn nhiều tồn đọng

Bên cạnh việc tiếp đón đại diện từ các tập đoàn, Chính phủ Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc tới thăm những nhà đầu tư tiềm năng ở nước họ.

Ông Wang Jinxia - Phó giám đốc đặc khu kinh tế Tiền Hải (Thâm Quyến) - mới đây đã dẫn đầu một nhóm lãnh đạo đi tới Dubai, Singapore và London để gặp mặt một số nhà đầu tư.

Theo ông Wang, chuyến đi đã đạt được nhiều "kết quả đáng chú ý" nhưng ông không chia sẻ chi tiết. Tuy nhiên, ông lưu ý về một số thách thức nghiêm trọng đối với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm những hoạt động cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp địa phương mà trong đó nguyên nhân chủ yếu là thiếu sự bảo vệ pháp lý từ chính quyền.

Hiện tại, dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đang dần khôi phục. Chỉ trong tháng 1/2023, nước này đã thu hút được khoảng 18,39 tỷ USD từ nhà đầu tư ngoại - tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức trung bình 6,3% của cả năm 2022. Hàn Quốc, Đức và Anh là 3 nước đầu tư nhiều nhất.

Ngoài ra, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao mới đây đã thừa nhận sai sót của mình khi chậm trễ giải quyết khiếu nại của các doanh nghiệp nước ngoài và hứa sẽ sửa đổi.

"Giải quyết những vấn đề này là ưu tiên của chúng tôi. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và đưa ra các chính sách để đảm bảo sự bình đẳng cho doanh nghiệp quốc tế", ông Wang cho biết.

Sản xuất Trung Quốc tăng trưởng cao nhất trong cả thập kỷ

Chỉ số sản xuất PMI của Trung Quốc đã tăng trưởng ấn tượng trong tháng 2 vừa qua. Đây là tín hiệu cho thấy đà phục hồi kinh tế đang trở lại.

Trung Quốc xây dựng hai nhà máy điện than mỗi tuần

Chính phủ Trung Quốc vào năm 2022 đã phê chuẩn xây dựng thêm 82 nhà máy điện than với công suất 106 GW, nhiều gấp 4 lần so với năm 2021 và xác lập kỷ lục cao nhất kể từ năm 2015.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Hằng Nga

Bạn có thể quan tâm