Theo CNBC, trong tháng 2 vừa qua, hoạt động sản xuất của Trung Quốc ghi nhận tốc độ phục hồi cao nhất trong cả thập kỷ. Động lực chính là các công xưởng và nhà máy đã mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tạo đà phục hồi cho nền kinh tế vốn dựa vào dịch vụ và bán lẻ.
Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của nước này đã tăng từ 50,1 điểm trong tháng 1 lên 52,6 điểm trong tháng 2 - xác lập mức PMI cao nhất kể từ tháng 4/2012 và thể hiện đà tăng trưởng thay vì suy giảm.
Cùng với đó, chỉ số PMI phi sản xuất - đo lường các hoạt động dịch vụ và xây dựng - cũng tăng từ 54,4 lên 56,3, cao hơn so với mức dự báo 54,9 điểm.
Sản xuất Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi mạnh. Ảnh: CNBC. |
Theo CNBC, dữ liệu tháng 2 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang dần lấy lại đà phục hồi, môi trường kinh doanh và sản xuất cũng tiếp tục được cải thiện khi nhiều người trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và đợt bùng phát dịch Covid-19.
Nhận xét về điều này, các chuyên gia kinh tế tại Citibank cho biết: "Những cải thiện rõ ràng trên diện rộng đối với cả PMI sản xuất và phi sản xuất đã phản ánh khả năng phục hồi vững chắc của Trung Quốc. Chúng tôi nghĩ rằng ngân hàng trung ương nước này sau đó cần lưu ý phòng tránh rủi ro lạm phát và có thể nghiêng về chính sách tự nhiên sau khi nền kinh tế đi đúng hướng".
Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của China Beige Book - ông Derek Scissors - chia sẻ với CNBC rằng ông hy vọng sản xuất được cải thiện sẽ thúc đẩy tiêu dùng vào cuối năm nay.
"Tháng 4 năm nay, khi các cuộc họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc diễn ra là thời điểm quyết định nền kinh tế tiêu dùng của Trung Quốc sẽ đi về đâu. Chắc chắn nó sẽ tăng trưởng so với năm ngoái nhưng có thể không nhiều và gây thất vọng cho nhà đầu tư", ông nói thêm.
Sau thông tin này, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng khoảng 0,56% so với đồng USD. Moody's sau đó cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 lên mức 5%, cao hơn so với con số 4% trước đó.
"Chúng tôi hy vọng nhu cầu bị dồn nén đối với các dịch vụ phi thương mại sẽ thúc đẩy tiêu dùng ngay từ bây giờ, đồng thời nền kinh tế mở cửa sẽ thúc đẩy đà sản xuất", Moody's giải thích. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn cảnh báo rằng đà tăng trưởng có thể giảm ngược trong trung hạn.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.