Đồng tiền Trung Quốc giảm mạnh so với đồng USD do sự khác biệt trong chính sách của các ngân hàng trung ương. Ảnh: Reuters. |
Giới chức Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn đà suy yếu nghiêm trọng của đồng nhân dân tệ. Theo nguồn tin của Reuters, Bắc Kinh đã yêu cầu các ngân hàng địa phương sử dụng lại công cụ cố định tiền tệ từng bị loại bỏ cách đây 2 năm.
Theo nguồn tin, các ngân hàng được yêu cầu sử dụng "yếu tố phản chu kỳ" để tác động tới cơ chế điều chỉnh tỷ giá.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ở cả trong nước và nước ngoài đã rơi xuống dưới ngưỡng 7,2 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất trong vòng 14 năm.
Giá trị của đồng USD tăng mạnh so với đồng nhân dân tệ trong vòng một năm qua. Ảnh: Reuters. |
Bắc Kinh can thiệp sâu hơn
Hồi năm 2017, Trung Quốc cũng đã áp dụng "yếu tố phản chu kỳ" nhằm giảm thiểu biến động của đồng nhân dân tệ, vốn đã suy yếu 3 năm liên tiếp.
Thời điểm đó, các nhà quản lý cho rằng công cụ này giúp thể hiện rõ cung - cầu trên thị trường, giảm bớt "hiệu ứng bầy đàn" và hướng những người tham gia thị trường tập trung vào các yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản.
Đến năm 2020, công cụ này đã bị loại bỏ khi đồng nhân dân tệ tăng giá mạnh. Các nhà chức trách quyết định để những lực lượng thị trường quyết định tỷ giá của đồng nhân dân tệ.
Việc áp dụng "yếu tố phản chu kỳ" vào mô hình định giá đồng nghĩa rằng Bắc Kinh sẽ can thiệp sâu hơn, còn vai trò của các lực lượng thị trường đối với tỷ giá đồng nhân dân tệ giảm đi.
Bắc Kinh đã yêu cầu các ngân hàng địa phương sử dụng lại công cụ cố định tiền tệ từng bị loại bỏ cách đây 2 năm. Ảnh: Reuters. |
Theo nguồn tin của Reuters, hôm 27/9, một số ngân hàng Trung Quốc đóng góp vào quá trình thiết lập tỷ giá cố định đã được yêu cầu áp dụng "yếu tố phản chu kỳ", hay còn gọi là "yếu tố X". Những ngân hàng này sẽ bắt đầu quá trình điều chỉnh trong vài ngày tới.
14 ngân hàng đóng góp vào việc thiết lập tỷ giá là các thành viên chủ chốt trong Khung Tự điều chỉnh Thị trường ngoại hối Trung Quốc, đóng vai trò như một cơ chế điều phối và tự điều chỉnh của thị trường.
Trước đó, Bắc Kinh đã đưa ra một số biện pháp để giải cứu đồng nhân dân tệ, vốn đang giảm hơn 11% so với đồng USD trong năm nay.
Hàng loạt nỗ lực
Đồng tiền Trung Quốc chịu áp lực lớn do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và dòng vốn chảy khỏi đất nước tỷ dân. Kinh tế Trung Quốc đã khởi sắc trong quý III sau khi chững lại vào quý II. Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn bị cản trở bởi các đợt bùng phát Covid-19 lẻ tẻ ở những thành phố trên khắp đất nước, thị trường nhà ở suy yếu và nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu sụt giảm.
Đà giảm càng trở nên nghiêm trọng sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cắt giảm lãi suất vào tháng 8. Điều này đi ngược với xu hướng chung trên toàn cầu. Hầu hết ngân hàng trung ương lớn đã tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát.
Trong cuộc họp chính sách tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp, đưa mặt bằng lãi suất điều hành của Mỹ lên 3-3,25%.
Theo dữ liệu của Trading Economics, hôm 28/9, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng tiền Mỹ với các tiền tệ chủ chốt khác - đã vượt mức 114,7 điểm, ngưỡng cao nhất kể từ tháng 5/2002.
Chỉ số USD đã tăng vọt trong năm nay. Giá trị của đồng bạc xanh tăng mạnh so với những tiền tệ khác như euro và bảng Anh. Ảnh: Trading Economics. |
Để kìm hãm đà giảm mạnh của đồng nhân dân tệ, giới chức Trung Quốc đã ấn định tỷ giá cố định của đồng nội tệ cao hơn dự báo, đưa ra một số cảnh báo, và dừng công bố những nỗ lực nới lỏng tiền tệ lớn.
Ngày 27/9 là phiên giao dịch thứ 24 liên tiếp đồng nhân dân tệ được ấn định tỷ giá cố định cao hơn dự báo của thị trường. Điều này giúp hạn chế phần nào đà giảm của đồng tiền Trung Quốc.
Tháng này, PBoC cũng đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế những giao dịch bán khống đồng nhân dân tệ. Các giao dịch bán khống có thể tạo ra vòng xoáy đẩy đồng nhân dân tệ giảm sâu hơn nữa.