Đá Subi ngày 18/7/2015 và 3/9/2015. Ảnh: Diplomat |
Những hình ảnh trang Diplomat công bố ngày 11/9 cho thấy Trung Quốc đang đẩy nhanh việc hoàn tất một đường băng trên đá Subi ở Biển Đông. Một khi đường băng hoạt động, Bắc Kinh sẽ được tăng cường đáng kể năng lực hoạt động không quân trong khu vực.
Đường băng rộng khoảng 60 m và dài 2.200 m, là công trình lấn biển trái phép trước đó của Trung Quốc. Họ còn có thể mở rộng đường băng này lên 3.300 m đủ để hầu hết các loại máy bay chiến đấu và hậu cần của Trung Quốc đáp.
Theo Diplomat, đây có thể sẽ trở thành cứ điểm phục vụ mục đích quân sự thứ 3 cho không quân Trung Quốc ở khu vực, gây ra quan ngại ngày càng gia tăng với các nước khác về khả năng Bắc Kinh sẽ đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Trung Quốc từng tuyên bố về ADIZ tại biển Hoa Đông năm 2013.
Các động thái của Bắc Kinh diễn ra ngay trước chuyến thăm cấp nhà nước dự kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ ngày 24/9.
Thách thức với ông Obama?
“Chính quyền Trung Quốc cho biết họ đã dừng việc xây dựng nhưng thực tế cho thấy hoàn toàn khác”, báo Mỹ Washington Post dẫn lời Michael J. Green, phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, cơ quan nghiên cứu đã công bố các bức ảnh, bình luận.
Các chuyên gia quan hệ quốc tế ở Mỹ cũng nói đây sẽ là “một thách thức với Nhà Trắng” trước cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình - Barack Obama.
“Chúng tôi xin nhắc lại rằng vào tháng 8, Trung Quốc đã tuyên bố ngừng việc bồi lấn biển. Nhưng chúng tôi không chắc là họ đã ngừng và sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình”, Bill Urban, người phát ngôn Lầu Năm Góc, nói.
Nhưng ông Urban cho rằng cách duy nhất để giảm căng thẳng là "ngừng các hành động đơn phương gây bất ổn. “Việc Trung Quốc tuyên bố ngừng rồi tiếp tục xây dựng, sẽ không thể làm giảm căng thẳng hay đưa tới một giải pháp ngoại giao thật sự có ý nghĩa”, ông Urban nói.
Những động thái mới của Trung Quốc ở Biển Đông diễn ra trong bối cảnh áp lực đang gia tăng tại Nhà Trắng liên quan tới chuyến thăm của ông Tập.
Một số ứng viên tranh cử tổng thống của phe Cộng hòa cho rằng ông Obama nên hủy bữa tiệc tiếp tân cấp nhà nước dành cho ông Tập vì những bất đồng giữa hai phía, bao gồm vấn đề Biển Đông, an ninh mạng, luật hạn chế các tổ chức phi chính phủ của Trung Quốc, bản quyền trí tuệ và nhân quyền.
Đảo Vành Khăn ngày 27/5/2015 và ngày 9/6/2015. Ảnh: Diplomat |
Nếu Trung Quốc lại xây các đường băng mới ở đá Subi và Mischief (Đá Vành Khăn) thì nó cho thấy hai điều.
Thứ nhất là việc bồi đắp vẫn tiếp tục dù Bắc Kinh nói khác tại hội nghị gần đây. Thứ hai, ý định quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam bằng sức mạnh không quân thông qua ba cứ điểm nhân tạo.
Cùng với các rađa và tên lửa đất đối không, điều này sẽ giúp Trung Quốc có được năng lực áp đặt ADIZ và đe dọa các vùng biển ở Biển Đông nếu họ muốn.
- Chủ tịch Ủy ban quân lực thượng viện, thượng nghị sĩ John McCain - khẳng định.
Ngày 12/9, các quan chức cao cấp của Mỹ và Trung Quốc đã hoàn tất bốn ngày đàm phán về an ninh mạng và các vấn đề đề khác.
Ngày 17/9, chỉ một tuần trước chuyến thăm của ông Tập, Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ sẽ tổ chức phiên điều trần lớn về tình hình an ninh mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những người sẽ giải trình trước quốc hội là David Shear, trợ lý bộ trưởng quốc phòng về an ninh châu Á -Thái Bình Dương và đô đốc Harry B. Harris Jr., tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ.
Diplomat cho biết từ tháng 9/2013 tới nay, Trung Quốc đã bồi đắp thêm tổng cộng hơn 1.200 ha với các đảo ở Biển Đông.