Ảnh chụp lại hoạt động cải tạo đảo trên Biển Đông của Trung Quốc. Ảnh: Infonet |
Washington cũng đang xem xét những hình thức trừng phạt đối với Trung Quốc nhằm đáp trả các hoạt động tấn công mạng tại Mỹ được cho là do nước này tiến hành.
Những diễn biến mới nhất này cho thấy căng thẳng đang nóng lên giữa Washington và Bắc Kinh trước thềm chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ vào cuối tháng này.
Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây công bố, 5 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc bị phát hiện hoạt động ở eo biển Bering và xâm phạm hải phận của Mỹ khi các tàu này vào gần quần đảo Aleutian (phần lớn thuộc bang Alaska của Mỹ), nằm giữa Alaska và bán đảo Kamchatka của Nga.
Theo luật pháp quốc tế, các vùng biển nằm trong khoảng cách 12 hải lý tính từ bờ biển của một quốc gia là hải phận của đất nước đó. Các tàu nước ngoài được phép đi qua hải phận của nước khác với điều kiện họ không tiến hành các hoạt động quân sự.
Các quan chức Mỹ cho biết tàu của Trung Quốc đã tiến sâu vào vùng 12 hải lý của Mỹ và họ tuân thủ nguyên tắc không gây chiến.
Vụ việc này diễn ra vài ngày trước, khi Tổng thống Mỹ có chuyến thăm tới Alaska. Đây được coi là hành động cho thấy Trung Quốc đang gây sức ép lên Mỹ.
Dù vậy, chính phủ Mỹ coi đây là hoạt động đi lại tuân thủ luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình chính trị trong nước Mỹ đang trở nên phức tạp hơn trước.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ phải đến tháng 11/2016 mới được tiến hành song các ứng cử viên đảng Cộng hòa đã bắt đầu những bước đi chuẩn bị. Một vài người trong số họ kêu gọi xóa bỏ tư cách khách mời của ông Tập trong chuyến thăm tới đây.
Chính quyền Obama lo ngại việc phản ứng thái quá trước hoạt động của các tàu Trung Quốc sẽ khiến nhiều người tin chính sách đối ngoại với Trung Quốc của Tổng thống Mỹ đã thất bại.
Thêm vào đó, chính phủ Mỹ có ý định lợi dụng sự kiện này. Nhiều người tin rằng việc Bộ Quốc phòng công bố thông tin này là một phần trong chiến lược của Mỹ, trong đó có việc điều động tàu chiến và máy bay của Mỹ tới vùng biển cách các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng 12 hải lý ở Biển Đông. Theo họ, Trung Quốc sẽ khó có thể đưa ra lời phản đối.
Mỹ vẫn khẳng định quan điểm của mình rằng tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc áp dụng đối với các đảo ở Biển Đông là vô căn cứ. Các quan chức của Bộ Quốc phòng và Lực lượng Vũ trang Mỹ nhiều lần nói chính quyền Obama nên đưa tàu và máy bay đến càng sớm càng tốt, bởi vùng biển quanh đảo này vẫn là một phần của hải phận quốc tế.
Một số quan chức Mỹ cảnh báo việc Mỹ tỏ ra im tiếng trước các hành động mạnh bạo của Trung Quốc sẽ khiến Nhà Trắng còn phải nhận nhiều chỉ trích.