Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc tiến gần mục tiêu tạo ra con người trong vũ trụ

Các nhà khoa học Trung Quốc tiến gần hơn mục tiêu tạo ra con người trong vũ trụ, sau khi thực hiện thí nghiệm với phôi thai chuột trên phi thuyền Shijian 10.

Theo SCMP, khoảng 6.000 phôi thai chuột, đang ở giai đoạn đầu của quá trình thụ tinh và có 2 tế bào, đã phân chia và phát triển thành phôi nang trong ba ngày ở trên tàu vũ trụ.

Giáo sư Duan Enkui, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Trung Quốc, cho biết kết quả này rất đáng khích lệ bởi những nỗ lực trước đây của Trung Quốc và các quốc gia khác nhằm phát triển phôi của động vật có vú trong không gian đều thất bại. 

"Chúng tôi hy vọng rằng thí nghiệm sẽ hỗ trợ về mặt khoa học cho các hoạt động sinh sản của con người trong không gian trong tương lai", People's Daily dẫn lời ông Duan nói.

em be trong vu tru anh 1

Một hình ảnh được gửi về từ phi thuyền Shijian 10 cho thấy phôi chuột hai tế bào (trên cùng) 4 giờ trước khi tàu vũ trụ được phóng đi ngày 6/4, và các phôi đã phát triển thành phôi nang 80 giờ sau vụ phóng. Ảnh: China Daily


Tuy nhiên, theo giáo sư Tan Xin, chuyên gia sinh vật học vũ trụ tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, việc tạo ra em bé trong vũ trụ không hề dễ dàng.

"Đây là một vấn đề gây tranh cãi và phức tạp vì có nhiều thách thức về mặt khoa học, kỹ thuật và đạo đức", Tan nhấn mạnh. 

Trước đây, chưa ai từng thực hiện kế hoạch này. Năm 1979, Liên Xô từng đưa 5 con chuột cái và hai con chuột đực lên quỹ đạo trong hai ngày, nhưng thử nghiệm hoàn toàn thất bại. Các nhà khoa học không phát hiện dấu hiệu mang thai hay giao phối ở các con vật. Họ nghi ngờ rằng chúng đã mất hứng thú giao phối khi ở trong môi trường không trọng lực.  

Sau khi tiến hành các thí nghiệm trong môi trường mô phỏng, nhóm nghiên cứu của Tan nhận thấy ở môi trường này, cơ quan sinh sản của động đật bị tổn thương hoặc thoái hoá. Do đó, việc thụ thai tự nhiên trong vũ trụ khó có thể thực hiện mà không có sự can thiệp đặc biệt. Động vật càng lớn thì vấn đề càng nghiêm trọng hơn. 

Những phát hiện trên cũng tương đồng với kết quả thí nghiệm mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) từng thực hiện trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Theo NASA, những chuyến bay kéo dài trong vũ trụ có thể làm giảm số lượng tinh trùng và làm tổn thương tế bào buồng trứng ở động vật gặm nhấm.

em be trong vu tru anh 2

Giáo sư Duan Enkui, người đứng đầu nhóm nghiên cứu. Ảnh: Chinese Academy of Sciences


Tân Hoa xã dẫn lời Duan cho hay, thí nghiệm của họ khó có thể tạo ra "chuột ngoài hành tinh" vì các phôi nang có thể chết khi trở về Trái đất. Ảnh chụp thí nghiệm cho thấy phôi nang chuột gần giống với phôi nang phát triển trên mặt đất. Tuy nhiên, họ sẽ phân tích mẫu vật để kiểm tra những biến đổi xảy ra ở môi trường không trọng lực. 

Theo Tan, một em bé vũ trụ có thể "hoàn hảo" hơn những đứa trẻ sinh ra trên Trái đất, vì phôi thai phát triển tự nhiên theo mọi hướng ở môi trường không trọng lực. Nhưng liệu phôi thai cuối cùng có phát triển thành một đứa trẻ hoàn chỉnh hay không thì chưa thể chắc chắn. 

Giáo sư Tan nhận định các thí nghiệm trên có thể là gợi ý để giải quyết một số vấn đề về sức khỏe sinh sản trên Trái đất và nhóm của Duan đã đạt được một bước đi quan trọng. Theo ông, sinh con trong vũ trụ sẽ là chủ đề được quan tâm, khi con người ngày càng mở rộng chương trình khám phá các hành tinh khác trong hệ Mặt trời, như sao Hoả. 

Những cỗ máy tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh của NASA

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang lập nhiều dự án thiết kế robot để truy tìm sự sống tại các đại dương ngoài vũ trụ. Trong đó, một số cỗ máy có hình dạng rất kỳ lạ.

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm