Xinhua đưa tin, phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2 được phóng nhờ tên lửa Trường Chinh 2F lúc 22h ngày 15/9 tại Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc. Sau khoảng 575 giây, Thiên Cung 2 rời khỏi tên lửa và đi vào quỹ đạo đã định.
Thiên Cung 2 có chiều dài 10,4 m và trọng lượng lúc phóng là 8.600 kg, là phòng thí nghiệm không gian thứ hai sau Thiên Cung 1 được đưa vào quỹ đạo năm 2011. Đây là mô hình tiền thân của trạm vũ trụ thường trực dưới sự điều khiển của con người mà Bắc Kinh muốn hoàn thành trong vòng 6 năm tới.
Tên lửa Trường Chinh 2F sắp rời bệ phóng để đưa phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2 vào quỹ đạo. Ảnh: Xinhua. |
Lần này, Thiên Cung 2 cũng mang theo một đồng hồ nguyên tử được cho là chính xác nhất thế giới. Theo phía Trung Quốc, đồng hồ này sẽ vượt qua kỷ lục hiện tại của đồng hồ NIST-F2 tại Mỹ với sai lệch chỉ 1 giây trong 300 triệu năm. Đồng hồ Trung Quốc được kỳ vọng chính xác gấp 3 lần nghĩa là chỉ sai lệch 1 giây trong 1 tỷ năm.
Chiếc đồng hồ cũng được dự kiến bổ trợ cho tính chính xác của hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, vốn được xem là đối trọng với hệ thống GPS của Mỹ.
Đẩy mạnh chương trình không gian là ưu tiên đối với Bắc Kinh và Trung Quốc khẳng định mục tiêu này mang tính chất dân sự thuần túy. Trung Quốc là nước thứ ba, sau Nga (Liên Xô cũ) và Mỹ, đưa phi hành gia vào không gian. Hồi tháng 8, Trung Quốc phóng vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới, nhằm thiết lập đường dây thông tin mà tin tặc "không thể tấn công".
Chương trình trạm vũ trụ của Trung Quốc phát triển mạnh từ năm 2011 với việc phóng Thiên Cung 1. Thiên Cung 3 sẽ là bước cuối cùng trên hành trình xây dựng trạm vũ trụ có người thường trực dự kiến hoàn thành vào năm 2022.