Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Trung Quốc thay chân Mỹ ở Afghanistan?

Sau khi quân đội Mỹ rút lui khỏi Afghanistan, Trung Quốc trở thành cường quốc có cơ hội lớn nhất để khuếch trương quyền lực và ảnh hưởng với chính quyền mới do Taliban lãnh đạo.

trung quoc taliban anh 1

Từ khi Taliban trỗi dậy, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, cùng với đợt hạn hán tồi tệ chưa từng có, đã đánh gục hoàn toàn nền kinh tế Afghanistan, khiến hàng triệu người rơi vào nạn đói giữa mùa đông.

Chính quyền Taliban chỉ còn có thể bám víu vào hy vọng nhận trợ giúp từ Pakistan, quốc gia bảo trợ tổ chức này kể từ khi thành lập, cũng như Trung Quốc, đồng minh lâu năm của Pakistan và sẵn sàng làm ăn với bất cứ tổ chức nào cầm quyền ở Afghanistan, theo Nikkei Asia.

Quan hệ bí mật

Đến nay, Bắc Kinh vẫn từ chối công nhận chính quyền Taliban. Dù vậy, hai bên đã và đang có những đàm phán bí mật thông qua Đại sứ quán Trung Quốc ở Kabul.

Sau khi Taliban tiến vào Kabul tháng 8/2021, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Afghanistan.

Một tháng sau đó, Trung Quốc cam kết viện trợ thực phẩm, thuốc men, vaccine Covid-19 cho Afghanistan trị giá 31 triệu USD. Hơn một nửa trong số hàng viện trợ này đã được chuyển giao.

Trong khi đó, Pakistan cũng cam kết viện trợ Afghanistan 28 triệu USD.

Bilal Karimi, người phát ngôn Bộ Thông tin của Taliban, miêu tả quan hệ giữa Trung Quốc và chính quyền mới của Afghanistan là "bí ẩn", ám chỉ những cuộc thảo luận kín vẫn đang diễn ra thông qua đại sứ quán ở Kabul.

trung quoc taliban anh 2

Vaccine Covid-19 Trung Quốc viện trợ Afghanistan tháng 12/2021. Ảnh: Nikkei.

"Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ nồng ấm với chính quyền của Tiểu Vương quốc Hồi giáo (cách Taliban gọi Afghanistan). Đại sứ quán ở Kabul vẫn mở cửa và hoạt động bình thường", ông Karimi nói.

Quan chức Taliban tuyên bố Bắc Kinh đã âm thầm công nhận chính quyền mới và đang triển khai các dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Afghanistan sẽ là "liều thuốc thử" không dễ dàng cho Trung Quốc. Với việc chính quyền do phương Tây hậu thuẫn sụp đổ chóng vánh, Trung Quốc dường như ngay lập tức bị đẩy vào vai trò dẫn dắt giải quyết cuộc khủng hoảng ở Afghanistan, dù Bắc Kinh dường như chưa thực sự sẵn sàng.

Trung Quốc và Afghanistan chia sẻ một đoạn biên giới ngắn có tên "hành lang Wakhan". Với sự trỗi dậy của Taliban, cuộc khủng hoảng giờ đã ở ngưỡng cửa nhà của Bắc Kinh.

Liệu Trung Quốc có sẵn lòng giúp đỡ Taliban tái thiết Afghanistan hay không vẫn còn là câu hỏi lớn bởi chính sách đối ngoại của Bắc Kinh thường phụ thuộc vào nhu cầu an ninh đối nội.

"Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ quá vội vã đóng vai đấng cứu thế tại Afghanistan", Yun Sun, chuyên gia tổ chức tư vấn chính sách Stimson Center, nói.

Cơ hội cho Trung Quốc

Dù chưa chính thức công nhận chính quyền mới, việc Trung Quốc sẵn sàng viện trợ Afghanistan cho thấy một mức độ ủng hộ hạn chế dành cho Taliban.

Sự trỗi dậy của Taliban đã làm thay đổi cân bằng quyền lực ở khu vực khiến Mỹ mất đi một phần ảnh hưởng. Nếu Taliban có thể đứng vững và ngăn chặn nội chiến, Trung Quốc sẽ có cơ hội trở thành cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất ở khu vực.

Afghanistan cũng có thể trở thành một phần của sáng kiến Vành đai, Con đường. Trước đó, Pakistan đã hưởng lợi lớn nhờ hợp tác với Trung Quốc.

Thực tế, Trung Quốc có nguồn lực để trở thành nhà bảo trợ lớn nhất của Taliban. Thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng và kết nối ở Afghanistan, Bắc Kinh có thể trở thành người mở đường cho một chiến lược đối ngoại: sử dụng đầu tư cơ sở hạ tầng để ổn định an ninh.

Trung Quốc sẽ cần đến các đồng minh ở khu vực để theo đuổi chiến lược đầu tư nói trên, đặc biệt là Pakistan.

Thủ tướng Pakistan Raoof Hasan cho biết hỗ trợ chính quyền Taliban thông qua các dự án đầu tư phát triển là giải pháp được nhiều nước ở khu vực ủng hộ có thể ngăn ngừa đói nghèo - nguyên nhân gốc rễ dẫn đến bất ổn.

trung quoc taliban anh 3

Ngoại trưởng Vương Nghị tiếp đại diện Taliban ở Thiên Tân ngày 28/7/2021. Ảnh: AP.

Viễn cảnh Trung Quốc rót tiền đầu tư vào Afghanistan thông qua các dự án cơ sở hạ tầng là có khả năng. Bắc Kinh không chống Taliban quyết liệt như nhiều nước phương Tây. Trung Quốc cũng là đồng minh thân thiết với Pakistan - nhà bảo trợ lâu năm của Taliban.

"Mối đe dọa chung là khủng bố, mục tiêu chung là kết nối kinh tế", Thủ tướng Hasan nói về quan tâm của Pakistan và Trung Quốc ở Afghanistan.

Nhưng lịch sử đầu tư của Trung Quốc tại Afghanistan, song hành cùng sự hoài nghi với Taliban và nỗi sợ thường trực nguy cơ chủ nghĩa khủng bố lan rộng, khiến mọi quyết định đầu tư trở nên phức tạp hơn nhiều.

Một trong những quan ngại lớn nhất của Bắc Kinh là nguy cơ các tổ chức cực đoan chiêu mộ thành viên người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại khu tự trị Tân Cương. Do đó, sự trỗi dậy của Taliban khiến nguy cơ này càng hiển hiện hơn.

"Afghanistan có vai trò địa lý rất quan trọng với Trung Quốc, Bắc Kinh sợ Afghanistan sẽ trở thành căn cứ hỗ trợ các nhóm cực đoan khiến tình hình rắc rối hơn", Khairullah Shinwari, chuyên gia nghiên cứu chính trị ở Kabul, nói.

Dù Taliban đã bảo đảm không để Afghanistan trở thành căn cứ cho phong trào cực đoan, ly khai, Bắc Kinh vẫn ám ảnh với nguy cơ ý thức hệ cực đoan của Taliban lan rộng ra khu vực.

Lin Minwang, chuyên gia nghiên cứu quốc tế Đại học Fudan, cho rằng nguy cơ chủ nghĩa cực đoan lan rộng có thể là một trong những lý do khiến Trung Quốc cân nhắc can thiệp sâu hơn vào Afghanistan.

"Trung Quốc đã có kinh nghiệm đối phó với khủng bố bằng cách sử dụng phát triển kinh tế để ổn định tình hình", giáo sư Lin nói.

Để Trung Quốc triển khai các dự án ở Afghanistan, Pakistan sẽ đóng vai trò then chốt. Islamabad có thể là tai mắt cho Bắc Kinh trên thực địa để đánh giá tính khả thi của các dự án.

Trung Quốc và Pakistan, nếu bắt tay nhau ở Afghanistan, sẽ tạo ra một khối kinh tế khu vực đủ mạnh để thách thức ảnh hưởng của Mỹ và Ấn Độ. Trong những năm qua, quan hệ giữa Pakistan và Mỹ ngày càng đi xuống.

Nghi ngại còn đó

Không ít ràn cản cho Trung Quốc nếu muốn can dự sâu hơn về kinh tế vào Afghanistan. Bản thân Taliban đang gặp khó khăn bảo đảm an ninh ở Afghanistan. Vụ đánh bom tại sân bay Kabul ngày 27/8/2021 khiến gần 200 người thiệt mạng cho thấy Taliban chưa trấn áp được các tổ chức khủng bố.

Khả năng Taliban kéo dài thời gian cầm quyền cũng là một dấu hỏi. Trong bối cảnh nền kinh tế sụp đổ và hàng triệu người chết đói, bất mãn với chính quyền mới của Taliban đang dần tích tụ.

Những báo cáo về các vụ trả thù, hành quyết tập thể, hành quyết không xét xử, cho thấy tuyên bố Taliban đã ôn hòa hơn trước đây là không đáng tin.

Cuối thập niên 1990 khi Taliban lần đầu nắm quyền, Trung Quốc tuyên bố không thiết lập quan hệ với tổ chức này. Hiện nay, việc Trung Quốc có sẵn sàng ủng hộ và bắt tay với Taliban hay không sẽ phụ thuộc vào lời hứa cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố và Hồi giáo cực đoan.

trung quoc taliban anh 4

Binh sĩ Taliban trên đường phố Kabul. Ảnh: AP.

Dù Afghanistan dưới triều đại Taliban hứa hẹn Trung Quốc cơ hội kiếm tiền, mở rộng Vành đai Con đường, và khuếch trương ảnh hưởng ở khu vực, mối lo về an ninh và bất ổn vẫn luôn hiện diện.

Đến nay, Taliban đã nhiều lần ủng hộ khả năng Trung Quốc đầu tư vào Afghanistan thông qua Vành đai, Con đường để phục vụ tái thiết.

Từ Bắc Kinh, Trung Quốc bước đầu cho thấy một mức độ sẵn sàng nhất định can dự sâu hơn vào Afghanistan. Hồi tháng 10/2021, Ngoại trưởng Vương Nghị tiếp đón phái đoàn Taliban ở Doha, Qatar. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết Bắc Kinh muốn làm bạn với Taliban.

Dù các thông điệp gửi đi qua kênh chính thức vẫn thể hiện sự thận trọng, một số nhân vật có tiếng tăm tại Trung Quốc đã bắt đầu "phá rào".

Trong bài viết trên tờ New York Times đầu tháng 12/2021, cựu quan chức quân đội Trung Quốc Zhou Bo tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng đóng góp cho chính quyền mới của Taliban.

"Afghanistan từ lâu đã là nấm mồ chôn những kẻ chinh phạt, từ Alexander đại đế, đế quốc Anh, Liên Xô cho đến Mỹ. Giờ Trung Quốc đến không mang theo bom đạn mà là các bản thiết kế xây dựng và cơ hội chứng minh có thể phá bỏ lời nguyền", ông Zhou viết.

Đại sứ Afghanistan tại Trung Quốc gửi tâm thư

Đại sứ Afghanistan tại Trung Quốc để lại một lá đơn từ chức cho người kế nhiệm vào ngày 10/1, trong đó ông tiết lộ nhân viên đã không được trả lương trong nhiều tháng.

Taliban cấm phụ nữ dùng nhà tắm công cộng tại miền Bắc Afghanistan

Taliban tiếp tục gây bất bình sau khi đưa ra lệnh cấm phụ nữ ở miền Bắc Afghanistan sử dụng nhà tắm công cộng, nơi duy nhất cho phép nhiều người được tắm nước nóng trong mùa đông.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm