Kết quả của quá trình hợp nhất là Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (CREG), được cấu thành từ 3 đơn vị khai thác đất hiếm của Tập đoàn Nhôm Trung Quốc, China Minmetals và Tập đoàn Đất hiếm Cán Châu, Nikkei Asia đưa tin ngày 24/12. Ba tập đoàn trên thuộc sở hữu nhà nước.
Động thái trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi hai ông lớn đất hiếm khác của Trung Quốc - Tập đoàn Công nghệ cao Đất hiếm Phương Bắc Trung Quốc và Tập đoàn Holding Đất hiếm Trung Quốc - thông báo sẽ bắt tay hợp tác chiến lược.
Đất hiếm được chuyển lên xe tải tại một cảng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AP. |
CREG sẽ nằm trong danh sách khoảng 100 “công ty trung ương” được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước (SASAC) thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc.
CREG có số vốn đăng ký là 15,6 triệu USD. 31% cổ phần của tập đoàn này sẽ do SASAC nắm giữ, trong khi mỗi bên trong số ba tập đoàn cấu thành sẽ nắm 20% cổ phần.
Vị trí chủ tịch của tập đoàn mới được thành lập sẽ do Ao Hong, Phó bí thư đảng ủy Tập đoàn Nhôm Trung Quốc, đảm nhiệm. Hoạt động hàng ngày sẽ do Liu Leiyun - một giám đốc tại China Minmetals - phụ trách.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin về kế hoạch hợp nhất trên gọi CREG là “tàu sân bay” vì quy mô khổng lồ của tập đoàn này.
CREG sẽ nắm giữ gần 70% quota sản lượng các nguyên tố đất hiếm nặng và vừa của Trung Quốc, đồng thời nắm gần 40% sản lượng đất hiếm tổng thể, theo thông tin do Bắc Kinh công bố.
Theo Nikkei Asia, Trung Quốc đang siết quyền kiểm soát đối với chuỗi cung ứng đất hiếm - các nguyên tố đóng vai trò thiết yếu cho một loạt sản phẩm công nghệ cao - để chuẩn bị cho chuỗi ngày căng thẳng kéo dài với Mỹ.
Trung Quốc nắm giữ khoảng 60% sản lượng đất hiếm toàn cầu, theo dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ. Năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình từng gọi vật liệu này là “tài nguyên chiến lược quan trọng”.