Trung Quốc đang cung cấp gần 60% đất hiếm cho thế giới. Sức ảnh hưởng của Bắc Kinh lên thị trường đã gây ra nhiều lo ngại về chuỗi cung ứng. Đất hiếm là nguyên liệu được ứng dụng sản xuất vô số vật dụng hiện nay, từ điện thoại thông minh đến động cơ hiệu năng cao và pin xe điện.
Theo Nikkei Asia, các nước thành viên Đối thoại An ninh Bốn bên, còn được gọi là "Bộ Tứ", đang mong muốn tìm giải pháp trước thế độc tôn của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm. Australia, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ dự tính hợp tác đầu tư công nghệ sản xuất mới và các dự án phát triển, dẫn dắt xây dựng những quy định mới cho thế giới về nguyên liệu này.
Khi lãnh đạo các nước Bộ Tứ họp trực tuyến lần đầu tiên vào ngày 12/3, họ sẽ chính thức công bố ý định giảm phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc. Những nội dung khác dự kiến được nêu trong cuộc họp gồm quan ngại về an ninh hàng hải và hợp tác cung cấp vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển.
Điểm khai thác quặng đất hiếm tại mỏ Bayan Obo, Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Lá bài đất hiếm của Bắc Kinh
Nhiều hãng công nghệ lớn vẫn dựa vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc để chế tạo sản phẩm, như neodymium cho xe điện và lithium cho công nghệ pin. Xét trong lĩnh vực chiết tách đất hiếm, Trung Quốc đang giữ vị thế gần như độc quyền. Quy trình của Trung Quốc lại chịu nhiều chỉ trích về tác động môi trường.
Về phương diện khai thác đất hiếm, Trung Quốc lại không nắm vị thế độc quyền hoàn toàn. Mỹ cũng xuất khẩu quặng đất hiếm sang Trung Quốc rồi tái nhập khẩu khoảng 80% đất hiếm đã qua chiết tách. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), tính đến năm 2020, Trung Quốc chiếm khoảng 58% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Con số này khoảng 4 năm trước lên đến 90%.
Bắc Kinh xem đất hiếm là tài nguyên chiến lược. Họ tận dụng vị thế của mình làm lá bài mặc cả ngoại giao. Vào năm 2010, Trung Quốc dừng cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản liên quan đến tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Khi Trung Quốc dùng chiêu bài này, giá của một số kim loại trên thị trường tăng gần 9 lần.
Trung Quốc có vẻ vẫn không từ bỏ chiến lược "ngoại giao đất hiếm", theo Nikkei Asia. Giới chức Trung Quốc vừa qua đã thông báo ý định hạn chế xuất khẩu đất hiếm, giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và nhiều bất đồng lợi ích khó dung hòa.
Washington đang tìm cách hạn chế điểm yếu đất hiếm. Tổng thống Joe Biden vào ngày 24/2 đã ký sắc lệnh hành pháp, yêu cầu cơ quan chức năng dành 100 ngày đánh giá lại các chuỗi cung ứng sản xuất trọng yếu. Washington tập trung vào những sản phẩm chiến lược như vi xử lý máy tính, pin trữ lượng lớn, các hoạt chất dược phẩm (API), cùng khoáng sản then chốt và nguyên liệu chiến lược. Đất hiếm cũng nằm trong danh sách này.
Đất hiếm được Trung Quốc xác định là tài nguyên chiến lược. Ảnh: Global Times. |
Lật ngược tình thế
Trước tiên, các nước "Bộ Tứ" muốn đầu tư phát triển công nghệ chiết tách và xử lý quặng đất hiếm. Các mạch đất hiếm thường chứa cả nguyên liệu có thể tạo phóng xạ. Quá trình xử lý đất hiếm thường dẫn đến khối lượng lớn chất thải phóng xạ.
Nhờ những quy định lỏng lẻo về bảo vệ môi trường, những nhà sản xuất đất hiếm Trung Quốc chiếm lĩnh lợi thế giá rẻ trên thị trường. Để đảo ngược tình thế, Bộ Tứ cần tập trung phát triển công nghệ xử lý quặng đất hiếm chi phí thấp và ít chất thải phóng xạ.
Bên cạnh đó, bốn nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ phối hợp các thể chế tài chính để đầu tư cho ngành khai thác và xử lý đất hiếm. chính phủ Mỹ đang hỗ trợ nhiều dự án xử lý quặng ở Australia và Mỹ. Nhật Bản cũng đang cân nhắc vào cuộc.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) của Liên Hợp Quốc cũng mong muốn xây dựng quy định đối phó cách Bắc Kinh kiểm soát xuất khẩu đất hiếm. Ấn Độ dù không phải thành viên IEA đã ký kết Đối tác Chiến lược, siết chặt hợp tác trên nhiều lĩnh vực. IEA dự kiến kêu gọi thêm những nước châu Âu tham gia thảo luận. Tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc muốn xây dựng cơ chế chung, buộc các nước thành viên thông báo trữ lượng đất hiếm và cùng siết chặt giám sát quốc tế.
Theo USGS, Mỹ đang nắm trong tay khoảng 16% sản lượng đất hiếm thế giới. Ấn Độ và Australia lần lượt nắm 1% và 7%. Trong khi Ấn Độ chiếm đến 6% trữ lượng đất hiếm toàn cầu, Nhật Bản là một trong những nhà tiêu thụ đất hiếm nhiều nhất thế giới.
Nếu "Bộ Tứ" có thể tăng cường hợp tác trên toàn chuỗi cung ứng và thu mua đất hiếm, từ sản xuất đến tiêu thụ, sức ảnh hưởng của cả nhóm trên thị trường này sẽ gia tăng đáng kể.
Ngoài tiềm năng tăng sức ảnh hưởng, các nước "Bộ Tứ" cũng có những động lực thúc đẩy riêng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Quan hệ Australia - Trung Quốc đang chìm trong sóng gió về phương diện an ninh lẫn thương mại.
Trong khi đó, xung đột biên giới Trung - Ấn vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ leo thang. Nhật Bản luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ về vấn đề biển Hoa Đông và các đe dọa an ninh từ Trung Quốc trong khu vực.