Theo Nikkei, quan chức Nhật Bản hôm 17/11 cho biết sẽ triển khai thiết bị lặn không người lái do Mỹ sản xuất để thăm dò khu vực đáy biển ở ngoài khơi bờ Đông nước này, nơi được cho là một kho báu tiềm năng về đất hiếm.
Thiết bị lặn không người lái sẽ sử dụng sóng siêu âm để quét đáy biển ở độ sâu 6.000 m dưới mặt nước, từ đó giúp phân tích cấu tạo và thành phần bề mặt đáy biển, xác định vị trí giàu trữ lượng đất hiếm.
Cơ quan Khoa học và công nghệ Trái Đất Nhật Bản cũng sẽ tham gia vào dự án với việc phát triển một phương pháp hút bùn có lẫn đất hiếm trực tiếp từ đáy biển, thông qua một đường ống lắp trên các tàu nghiên cứu nổi trên mặt nước.
Tàu thăm dò Chikyu của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo News. |
Nếu cuộc thử nghiệm thành công, Nhật Bản sẽ xem xét tăng quy mô thăm dò và đưa thêm 9 thiết bị xuống đáy đại dương. Mỗi thiết bị lặn không người lái và các trang thiết bị phụ trợ có giá lên tới 9,2 triệu USD. Đồng thời, chính phủ nước này cũng sẽ lắp đặt ngay dưới đáy biển các thiết bị giúp sạc năng lượng cho các thiết bị lặn.
Dự án sử dụng thiết bị lặn không người lái thăm dò đáy biển diễn ra trong bối cảnh các nước tăng cường chạy đua để khai thác đất hiếm, kim loại có vai trò cực kỳ quan trọng trong các ngành công nghệ cao, điện tử, viễn thông.
Nhật Bản từ lâu phụ thuộc nặng nề vào nguồn đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc. Ước tính, Trung Quốc cung cấp 58% lượng đất hiếm Nhật Bản tiêu thụ trong năm 2018. Năm 2010, ngành công nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản đã lao đao khi Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiểm cho Nhật Bản, xuất phát từ xung đột ngoại giao giữa hai nước.