Theo thống kê của Rhodium Group, nhóm nghiên cứu khí hậu có trụ sở tại New York, lượng phát thải 6 loại khí giữ nhiệt của Trung Quốc - bao gồm carbon dioxide, methane và nitrous oxide - đã tăng lên 14,09 tỷ tấn vào năm 2019.
Con số này nhiều hơn khoảng 30 triệu tấn so với tổng lượng khí thải nhà kính của các thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Theo Bloomberg, lượng khí nhà kính khổng lồ mà Trung Quốc thải ra cho thấy tầm quan trọng của chính sách bảo vệ môi trường mà Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra. Theo đó, nước này nỗ lực để đạt mức xả thải khí carbon bằng 0 vào năm 2060.
Cánh đồng rau của nông dân Trung Quốc gần một nhà máy công nghiệp ở tỉnh An Huy vào tháng 1/2019. Ảnh: Bloomberg. |
Trung Quốc chiếm 27% lượng khí thải toàn cầu. Mỹ, quốc gia xả thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới, chiếm 11%. Trong khi đó, vào năm 2019, Ấn Độ lần đầu tiên vượt qua Liên minh châu Âu, chiếm khoảng 6,6% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có dân số lớn nhất thế giới, do đó lượng xả thải khí nhà kính bình quân đầu người của nước này vẫn ít hơn nhiều so với Mỹ.
Dựa trên dữ liệu từng được ghi nhận trước đây, OECD vẫn là những "thủ phạm" chính của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Từ năm 1750, các nước này thải lượng khí nhà kính nhiều gấp 4 lần Trung Quốc.
"Khoảng thời gian Trung Quốc nắm giữ vị trí quốc gia xả thải lượng lớn khí nhà kính là tương đối ngắn so với các nước phát triển. Nhiều nước trong số đó đã bắt đầu xả thải khí nhà kính từ hơn một thế kỷ trước. Hiện tượng nóng lên toàn cầu hiện nay là kết quả của khí thải từ cả trong những năm gần đây và quãng thời gian xa hơn về trước", các nhà nghiên cứu cho biết.