Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc tăng cường nâng cấp tên lửa đạn đạo tầm xa

Quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động nâng cấp hàng loạt loại tên lửa đạn đạo liên lục địa đời cũ và dự kiến có khoảng 500 đầu đạn trong thời gian tới.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31A. Ảnh: China News

Tờ Washington Times dẫn thông tin từ tình báo Mỹ cho hay, nhiều tháng qua, Trung Quốc nâng cấp các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) để mang được nhiều đầu đạn dẫn đường độc lập (MIRV).   

“Trung Quốc đang thiết kế lại tên lửa đạn đạo tầm xa để mang được nhiều đầu đạn hạt nhân”, Đô đốc Cecil D. Haney, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, phát biểu ngày 22/1.

Ngày 9/2, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James R. Clapper lưu ý rằng, Trung Quốc đang tiếp tục hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của họ bằng cách biên chế thêm hệ thống phóng tên lửa lưu động và củng cố hệ thống phóng tên lửa ngầm dưới mặt đất.

Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, Lực lượng Tên lửa của Quân đội Trung Quốc (PLARF) đã nâng cấp tên lửa Dongfeng 5A cũ, vốn sử dụng nhiên liệu lỏng và phóng từ bệ phóng ngầm, bằng cách thay thế đầu đạn đơn bằng 3 đầu đạn mới (một số nguồn tin nói con số là 8 đầu đạn).

Một biến thể cải tiến của DF-5A là DF-5B đã xuất hiện trong lễ diễu hành quân sự tại Bắc Kinh tháng 9/2015 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Thế chiến II kết thúc.

Trung Quốc được cho đang sở hữu 20 tên lửa đạn đạo DF-5B, dù một số nhà phân tích tin rằng con số thực chất còn hơn thế.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung, họ không thể đánh giá chính xác số lượng tên lửa đạn đạo có thể mang hạt nhân trong kho vũ khí Trung Quốc do chương trình hạt nhân của nước này thiếu minh bạch.

Theo Rick Fisher, chuyên gia phân tích về quân sự Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (Mỹ), việc Bắc Kinh có khoảng 20 tên lửa đạn đạo DF-5 cùng việc triển khai loại DF-41 và khả năng ra đời tên lửa DF-31B, phiên bản của DF-31A, cho thấy nước này có thể sở hữu khoảng 500 đầu đạn ICBM trong vài năm tới.

“Điều này cùng việc Trung Quốc phát triển mạnh hệ thống phòng thủ tên lửa, năng lực tác chiến không gian và đòn tấn công toàn cầu bằng vũ khí phi hạt nhân sẽ tác động tới sự tự tin của các đồng minh Mỹ trong chiến lược răn đe hạt nhân của Washington”, ông Fisher nói.

Theo Diplomat, loại tên lửa DF-5A cuối cùng sẽ bị loại bỏ và thay thế bằng DF-41, tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn. Khi chính thức đưa vào hoạt động, DF-41 sẽ trở thành ICBM tiên tiến nhất của Trung Quốc.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm