South China Morning Post đưa tin Trung Quốc đang lên kế hoạch đưa thêm 10 vệ tinh nữa từ đảo Hải Nam đến để giám sát Biển Đông trong vòng 3 năm nữa.
Tờ Hainan Daily dẫn lời ông Li Xiaoming của Viện Sanya về Tri nhận Từ xa và Trái đất Kỹ thuật số cho biết khi hoàn thành, hệ thống vệ tinh này sẽ có khả năng giám sát Biển Đông ngày và đêm, phân tích mọi diễn biến mới trên vùng biển và chi tiết đến mức có thể xác định được cấu trúc của tàu thuyền.
Các chuyên gia cho rằng hệ thống vệ tinh sẽ tăng cường sự kiểm soát của Trung Quốc đối với vùng biển tranh chấp và các đảo mà nước này đang chiếm đóng phi pháp. Ảnh: Reuters. |
Kế hoạch này được tiết lộ vào ngày 15/12, sau khi viện nghiên cứu CSIS của Mỹ công bố hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy một vài cấu trúc mà họ cho là cơ sở vật chất của Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Tân Hoa xã cho biết Trung Quốc sẽ triển khai các vệ tinh, bao gồm vệ tinh siêu phổ và vệ tinh radar có độ mở tổng hợp, để đủ sức giám sát vùng biển này ngày và đêm từ năm 2021.
Collin Koh, một chuyên gia về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nói rằng nhiều yếu tố kỹ thuật và khí hậu đang ngăn cản hệ thống hiện có của Trung Quốc trong việc bao phủ hết vùng biển.
"Kế hoạch lắp đặt vệ tinh để tri nhận từ xa... chỉ là một phần trong kế hoạch tổng thể mà Trung Quốc đang triển khai nhằm tăng cường khả năng của họ trong việc gán nghĩa tại Biển Đông", ông Koh cho biết.
Một chuyên gia đóng tại Bắc Kinh chuyên về hệ thống tri nhận từ xa nói rằng các vệ tinh mới sẽ hỗ trợ cho những hệ thống hiện có của quân đội Trung Quốc và "có thể triển khai cho nhiệm vụ quân sự nếu cần thiết".
Trong báo cáo được công bố hôm 14/12, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), tổ chức nghiên cứu quốc tế hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ, cho biết hoạt động lắp đặt trái phép các thiết bị quân sự được Trung Quốc tiến hành trong suốt năm 2017 tại các thực thể trên biển do nước này chiếm đóng phi pháp tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Các vị trí phát hiện hoạt động trái phép của Trung Quốc trên đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh: CSIS. |
Đá Chữ Thập, thực thể trên biển phía đông bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, là nơi có nhiều hoạt động xây dựng của Trung Quốc nhất.
Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam được ghi nhận trong Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Bản đồ các đảo ở Trường Sa mà Trung Quốc cưỡng đoạt và bồi lấp trái phép. Ảnh: Wall Street Journal. |