Giáo sư Thời Ân Hoằng - chuyên gia ngành Quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân, Trung Quốc - cho rằng dù các biện pháp thay đổi hiện trạng của Trung Quốc phản tác dụng, những nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh vẫn không thay đổi chiến lược mà họ tính toán kĩ lưỡng. Theo ông, Trung Quốc không thể thay đổi quỹ đạo do chủ nghĩa dân tộc gia tăng trong nước, sức ép từ quân đội và quan điểm cá nhân mỗi lãnh đạo cấp cao. Do vậy, ông Shi cảnh báo tranh chấp ở biển Hoa Đông, Biển Đông và vùng biên giới dọc dãy Himalaya sẽ ngày càng phức tạp, South China Morning Post đưa tin.
Giáo sư Thời Ân Hoằng. Ảnh: SCMP |
"Căng thẳng giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ sẽ ngày càng xấu hơn thay vì cải thiện. Có thể Trung Quốc sẽ áp dụng một số thay đổi chiến thuật theo hướng ôn hòa, nhưng tôi không thấy bất kỳ thay đổi cơ bản nào trong định hướng chiến lược", giáo sư Thời Ân Hoằng trả lời trên báo Sydney Morning Herald vào ngày 2/7.
Phát biểu của giáo sư Thời Ân Hoằng tương phản với quan điểm của giới chức Trung Quốc. Bắc Kinh luôn phủ nhận trách nhiệm trong tranh chấp căng thẳng với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và Ấn Độ. Họ luôn cáo buộc Mỹ cùng các nước lân cận gây rắc rối để “kiềm chế” sự vươn lên của Trung Quốc.
Trong hai năm trở lại đây, Trung Quốc thực hiện nhiều hành động khiến căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ leo thang với các nước như Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ. Mỹ và các đồng minh, điển hình như Australia và Nhật Bản, đã bày tỏ lo ngại về chính sách “cưỡng ép” bằng kinh tế và quân sự của Trung Quốc, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: AFP |
Sau khi nội các Nhật Bản chính thức thông qua việc sửa Hiến pháp để mở rộng vai trò của lực lượng vũ trang và quyền tham gia phòng vệ tập thể hôm 1/7, chính phủ Mỹ, Philippines và Australia đều ủng hộ quyết định mang tính lịch sử của Nhật Bản.
Nhận định việc Australia và Ấn Độ ngày càng xích lại gần nhau hơn, giáo sư Thời Ân Hoằng nói việc các quốc gia hình thành “liên minh chiến lược” với các nước khác, bao gồm Mỹ và Nhật Bản, là điều “tự nhiên” trước bối cảnh Trung Quốc tăng cường và đẩy mạnh hoạt động hải quân. Tuy nhiên, Bắc Kinh xem những việc như thế là động thái "tấn công" nhằm vào họ.