Hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Sydney Morning Herald |
Khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) mở phiên điều trần lần thứ 2 vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, Bắc Kinh phủ nhận các phán quyết của tòa và ngang ngược cho rằng vụ kiện “sẽ không có kết quả”.
Các quan chức Philippines cùng một số nhà ngoại giao và chuyên gia nước ngoài phản bác ý kiến của Trung Quốc. Họ cho rằng Bắc Kinh có thể phải chịu thêm áp lực về mặt pháp lý và ngoại giao nếu tòa ra phán quyết cuối cùng có lợi cho Manila.
Một số chuyên gia luật nhận định, khả năng thành công của Manila trong vụ kiện là "đáng kể" và dẫn bác bỏ của tòa về quyết định không tham gia vụ kiện Trung Quốc. PCA dự kiến ra phán quyết cuối cùng vào giữa năm 2016. Phán quyết tương tự từ phía tòa quốc tế sẽ trở thành “gông đeo cổ Trung Quốc”, đặc biệt tại các cuộc họp trong khu vực. Bởi theo các nhà ngoại giao và chuyên gia, đây là lần đầu tiên một tòa án quốc tế can dự vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ nên Bắc Kinh khó có thể phớt lờ phán quyết mà cơ quan này đưa ra.
Theo Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nếu phán quyết của tòa chống lại Trung Quốc ở những điểm cốt lõi, ông kỳ vọng một sự phối hợp từ các nước phương Tây nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh trong các cuộc họp song phương và diễn đàn quốc tế.
“Các quốc gia khác sẽ dùng phán quyết của tòa như một cây gậy đánh bại Bắc Kinh. Đó là lý do Trung Quốc nhạy cảm trước vấn đề này”, ông Storey nhận định.
Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington (Mỹ), cho rằng: “Có chút bí mật bẩn thỉu ở đây. Người Trung Quốc giả bộ rằng họ sẽ dễ dàng phớt lờ và bác bỏ vấn đề. Nhưng theo tôi, trên thực tế, họ sẽ phải trả cái giá đắt cho điều đó”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 1/12 nhắc lại rằng, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận mọi phán quyết của tòa quốc tế. Ngày 24/11, Trung Quốc ngang nhiên nhấn mạnh vụ kiện là "nỗ lực vô ích" nhằm phủ nhận "tuyên bố chủ quyền lãnh thổ" của họ ở Biển Đông.