Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tòa có thể gián tiếp bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc'

Chuyên gia luật Hoàng Việt cho biết ông mong chờ Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ cơ sở pháp lý của "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc áp đặt trên Biển Đông.

Ngày 30/11, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại The Huage, Hà Lan kết thúc phiên điều trần thứ 2 về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây là phiên xử rất được mong chờ, vì cuối tháng 10, PCA khẳng định quyền xét xử vụ kiện của Manila. Trung Quốc vẫn bác bỏ tính hợp pháp của tòa đồng thời tuyên bố không tuân theo các phán quyết.

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia luật Hoàng Việt chia sẻ nhận định của ông về kết quả phiên điều trần cũng như dự đoán những diễn biến tiếp theo.

- Phiên điều trần thứ 2 của PCA về việc Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông vừa chấm dứt. Xin ông cho biết phiên điều trần này có điểm gì khác biệt so với phiên điều trần trước đó, khi lần này Tòa Trọng tài khẳng định có thẩm quyền xét xử vụ kiện của Manila?

- Phiên điều trần thứ ​hai của ​PCA kéo dài từ ngày 24 đến 30/11. Tuy nội dung chính thức của phiên điều trần chưa được công bố nhưng theo thông tin mà báo giới Philippines cung cấp, có thể thấy hai điểm khác biệt cơ bản so với phiên điều trần trước đó như sau.

Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển, Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Trong phiên điều trần thứ hai, Philippines tập trung vào các vấn đề quan trọng nhất là sự phù hợp của yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc cũng xác định bản chất của các thực thể địa lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Về “đường 9 đoạn”, quan điểm của Philippines cho rằng nó không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS ). Bắc Kinh dựa vào một số yếu tố, trong đó có “quyền lịch sử”, để khẳng định yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, “quyền lịch sử” không có giá trị nếu giải quyết vấn đề theo quy định của UNCLOS.

Trong việc xác định một số thực thể địa lý, Philippines muốn tòa khẳng định một số thực thể trong khu vực đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough là đảo, đá hay rạn san hô. Nếu bị kết luận là đá hoặc rạn san hô, các thực thể địa lý này sẽ không có vùng lãnh hải 12 hải lý bao quanh.

- Nếu phần thắng nghiêng về phía Manila trong vụ kiện “đường 9 đoạn”, nó sẽ gây ra những tác động như thế nào tới các quốc gia trong khu vực?

- Việc Tòa tuyên Philiipines chiến thắng sẽ bác bỏ lập luận pháp lý của Trung Quốc về yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và sẽ giúp nhiều quốc gia trong khu vực được lợi, bao gồm cả Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta bị xâm phạm lớn nhất chính ở cái gọi là “đường 9 đoạn” này.

- Ông dự đoán như thế nào về tác động của phiên xử tới yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh?

- Như tôi đã nói rất nhiều lần, luật quốc tế không có những quy chế cưỡng chế để buộc một quốc gia thi hành phán quyết. Tuy nhiên, nó không có nghĩa là các quốc gia có thể phớt lờ những quy định của luật. Lịch sử cho thấy rằng, nhiều cường quốc trên thế giới tìm cách phủ nhận phán quyết bất lợi của tòa quốc tế. Tuy nhiên, áp lực từ cộng đồng buộc họ phải tuân thủ và không thể đi ngược lại luật quốc tế.

Một ví dụ điển hình là vụ Nicaragua kiện Mỹ ra Tòa án Công lý quốc tế từ năm 1984 tới năm 1986. Khi tòa xử phần thắng thuộc về Nicaragua và quốc gia này được bồi thường 300 triệu USD, Washington đã từ chối chấp nhận phán quyết. Tuy nhiên, trước sức ép của quốc tế, Mỹ phải đưa gói viện trợ trị giá 500 triệu USD cho quốc gia này dù không thừa nhận đây là tiền bồi thường.

Dù không có cơ chế cưỡng chế nhưng các phán quyết của tòa quốc tế cũng có những sức mạnh riêng.

Tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục căng thẳng

- Một phán quyết bất lợi cho Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực?

- Điều này phụ thuộc vào hành động của Trung Quốc. Ở thời điểm hiện tại, những căng thẳng trên Biển Đông đều bắt nguồn từ phía Bắc Kinh. Khi tòa ra phán quyết, Trung Quốc có thể lựa chọn phản ứng lại bằng các biện pháp hòa bình hoặc tiếp tục gây căng thẳng. Theo quan điểm của cá nhân tôi, với cách hành xử và chiến lược của Trung Quốc, tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục căng thẳng.

- Mỹ bày tỏ nguyện vọng tham dự phiên điều trần với tư cách quan sát viên có góp phần phản ánh sự quan tâm của thế giới với tình hình Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bận rộn vào bậc nhất?

- Việc Mỹ muốn dự phiên điều trần trong vai trò quan sát viên nói lên sự quan tâm rất lớn của Washington cũng như nhiều quốc gia khác với vụ việc. Mỹ không phải một nước phê chuẩn UNCLOS nhưng rõ ràng các nước không thể không tôn trọng luật pháp quốc tế. Đây không phải một văn bản không có giá trị.

- Ông dự đoán như thế nào về diễn biến tiếp theo trong vụ Philippines kiện Trung Quốc cũng như tương lai quan hệ trong khu vực?

- Chúng ta cần chờ thêm vài ngày nữa, để xem bản đánh máy toàn bộ nội dung phiên điều trần nhằm nắm được lập luận của Philippines, từ đó làm sáng tỏ vấn đề. Tuy nhiên, cá nhân tôi mong chờ tòa ra phán quyết về đường chín đoạn của Trung Quốc. Có thể Tòa không đưa ra phán quyết trực tiếp mà thay vào đó là cách gián tiếp nhằm bác bỏ cơ sở pháp lý của “đường 9 đoạn”. Điều đó sẽ cổ vũ cho nhiều quốc gia trong khu vực cũng như mở đường cho việc xem xét mang các tranh chấp tương tự ra tòa quốc tế.

Philippines tự tin trong vụ kiện Trung Quốc

Một tuần điều trần vụ kiện của Philippines với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đã kết thúc ngày 30/11, với sự tự tin chiến thắng của chính phủ Philippines.

Hồng Duy thực hiện

Bạn có thể quan tâm