Ngày 23/11, Trung Quốc thông báo việc thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông và yêu cầu các máy bay nước ngoài phải cung cấp thông tin để nhận dạng khi chúng bay vào ADIZ này. Sau đó phi cơ quân sự Mỹ bay qua ADIZ mà không hề cung cấp thông tin nhận dạng. Các máy bay của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng thực hiện hành động tương tự.
Mặc dù vậy, tại Washington, rất ít người tin rằng Trung Quốc sẽ đảo ngược quyết định của họ. Vì thế chính quyền của Tổng thống Barack Obama coi việc ngăn chặn căng thẳng leo thang là ưu tiên hàng đầu, AFP nhận định.
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tại Bắc Kinh trong 5 giờ hôm 4/12.
“Thay mặt Tổng thống Mỹ, tôi đã tuyên bố rõ ràng: Chúng tôi sẽ không công nhận ADIZ của Trung Quốc và nó sẽ không tác động tới những hoạt động của Mỹ”, Biden kể lại nội dung cuộc gặp giữa ông và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc tiếp Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bắc Kinh hôm 5/12. Ảnh: Reuters |
Song đến nay Mỹ vẫn chưa công khai kêu gọi Trung Quốc hủy ADIZ, mà chỉ đề nghị Bắc Kinh lập đường dây nóng với Nhật Bản để ngăn chặn những sự cố bất ngờ giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á.
“Sự hiểu lầm hoặc tính toán sai giữa Nhật Bản và Trung Quốc là một nguy cơ thực sự và có thể gây nên những tác động sâu sắc tới nhân dân hai nước”, ông Biden phát biểu tại Đại học Yonsei ở Seoul hôm 6/12.
Nhật Bản đang quản lý nhóm đảo Senkaku, đối tượng mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Ông Shinzo Abe, vị Thủ tướng theo đường lối cứng rắn và bảo thủ của Nhật Bản, từng khẳng định Tokyo sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề chủ quyền. Chính phủ Nhật Bản đã tăng ngân sách quốc phòng vì họ tin rằng Trung Quốc đang cố thay đổi thực trạng trên biển Hoa Đông bằng cách tăng dần mức độ cứng rắn trong hành động.
Nhiều chuyên gia tại Mỹ nhận định Trung Quốc lập ADIZ không chỉ để đối phó với Nhật Bản, bởi Bắc Kinh còn đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với nhiều nước khác.
“Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ lùi bước bằng cách hủy ADIZ. Trong bối cảnh chính trị ở Trung Quốc hiện nay, đó không phải là việc dễ dàng. Tôi nghĩ chính phủ Trung Quốc đang theo đuổi những mục tiêu xa hơn tranh chấp Trung-Nhật về lãnh hải”, Sheila Smith, một nhà nghiên cứu cao cấp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại Mỹ, phát biểu.
Mỹ liên tục nói họ không ủng hộ bên nào trong các tranh chấp chủ quyền, song nhấn mạnh rằng nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản nên chúng là đối tượng thuộc hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Theo hiệp ước, Mỹ sẽ đáp trả những hành động tấn công nhằm vào lãnh thổ Nhật Bản.
Trong bối cảnh nhiều nước lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, Tổng thống Obama tuyên bố châu Á sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông và Nhà Trắng sẽ dịch chuyển nguồn lực hải quân sang châu Á. Tuy nhiên, Mỹ cũng đang phải giảm chi tiêu quân sự để khống chế khoản nợ công khổng lồ do cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan gây nên.
Zheng Wang, một giáo sư của Đại học Seton Hall tại Mỹ, nói rằng phản ứng kiên quyết của Washington đối với ADIZ của Bắc Kinh trên biển Hoa Đông sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc chùn bước nếu họ muốn lập ADIZ trên những vùng biển khác, chẳng hạn như Biển Đông.
“Nhiều dấu hiệu cho thấy phản ứng của cộng đồng quốc tế đã vượt quá sự tưởng tượng của người Trung Quốc. Vì thế, nếu họ rút ra bài học từ thực tế, họ sẽ không lập những ADIZ tương tự trong tương lai”, Wang bình luận.
Thế nhưng Wang cũng không nghĩ Trung Quốc sẽ hủy ADIZ trên biển Hoa Đông, vì nhiều nước khác cũng đã thành lập ADIZ của riêng họ.
Yoshihide Soeya, một giáo sư của Đại học Keio tại Nhật Bản, đoán Trung Quốc có thể thực hiện những động thái xa hơn. Ông cảnh báo rằng nhiều nguy cơ sẽ phát sinh do sự chồng lấn của các vùng phòng không.
“Một đường dây nóng giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ là giải pháp hữu ích. Mặc dù quan hệ thường xuyên sóng gió, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn có đường dây nóng. Nếu mọi quốc gia đều có đường dây nóng, nó sẽ là một công cụ quản lý khủng hoảng vô cùng hiệu quả”, vị giáo sư bình luận.