Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc không thể giám sát toàn bộ ADIZ trên biển

Quân đội Trung Quốc sẽ gặp thách thức to lớn do phải dàn mỏng lực lượng để giám sát những phi cơ trong Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, giới phân tích nhận định.

Hôm 23/11, Trung Quốc tuyên bố họ thành lập Vùng nhận dạng phòng không phía trên biển Hoa Đông. ADIZ này bao trùm nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku và có diện tích tương đương 2/3 nước Anh. Bắc Kinh yêu cầu mọi phi cơ bay qua ADIZ phải cung cấp thông tin, báo trước lịch bay và duy trì liên lạc radio trong quá trình bay để họ nhận dạng. Nếu các phi cơ không làm theo yêu cầu của Bắc Kinh, quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp phòng vệ khẩn cấp.

Giới phân tích dự đoán các chiến đấu cơ của Trung Quốc sẽ không thể tuần tra liên tục 24 giờ trong ngày. Vì thế chúng chỉ xuất kích để thực hiện những nhiệm vụ cụ thể, chứ không tuần tra. Ảnh: Press TV.

Để giám sát mọi phi cơ trong ADIZ, hải quân và không quân Trung Quốc sẽ phải thường xuyên tuần tra trong vùng trời ấy. Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao và phân tích quân sự nhận định mạng lưới radar phòng không, máy bay do thám và phi cơ chiến đấu của Trung Quốc sẽ phải dàn mỏng để thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong ADIZ (có diện tích tương đương 2/3 nước Anh) mà họ thành lập trên biển Hoa Đông.

Song một số người nhấn mạnh rằng ngay cả khi quân đội Trung Quốc chỉ tuần tra một cách hạn chế, hành động của họ cũng có thể khiến cả khu vực lo ngại và gây sức ép với Nhật Bản.

Một quan chức giấu tên trong chính phủ Nhật Bản nói rằng quân đội Trung Quốc, dù phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, vẫn không có đủ radar và phi cơ chiến đấu để giám sát một vùng không phận rộng lớn như ADIZ mà họ thành lập trên biển Hoa Đông.

Mặc dù Trung Quốc có thể triển khai hàng loạt thiết bị giám sát, bao gồm những radar trên tàu chiến, chắc chắn họ sẽ phải chấp nhận sự tồn tại của nhiều “vùng mù” trong ADIZ. Đây là nhận định của Christian Le Miere, một chuyên gia quân sự khu vực Đông Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London.

Việc Trung Quốc lập ADIZ trên biển Hoa Đông khiến Mỹ và Nhật Bản chỉ trích mạnh mẽ. Cả hai nước đều cáo buộc Bắc Kinh đang cố gắng thay đổi tình hình trong khu vực.

Một số chuyên gia nhận định mục đích của Bắc Kinh là làm lu mờ đòi hỏi chủ quyền của Tokyo đối với nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Nhật Bản và Mỹ cũng có ADIZ riêng, song họ chỉ yêu cầu các máy bay báo trước kế hoạch bay và cung cấp thông tin nhận dạng nếu chúng có ý định di chuyển qua không phận quốc gia.

Gary Li, một nhà phân tích cao cấp của tổ chức tư vấn Hàng không, Quốc phòng và Hàng hải HIS tại Bắc Kinh, không tin rằng Trung Quốc muốn giám sát máy bay bằng cách cho các phi cơ tuần tra luân phiên gần các đảo tranh chấp – chiến thuật mà các tàu tuần duyên của họ đã thực hiện.

“Duy trì sự hiện diện của máy bay trong ADIZ suốt 24 giờ trong ngày là một thách thức lớn. Chúng ta nên nhớ rằng đây không phải là vùng cấm bay. Trung Quốc không phải duy trì các cuộc tuần tra thường xuyên để tạo cảm giác là chủ quyền của họ đang hiện diện trong ADIZ”, Gary nói.

Tàu tuần tra của Nhật Bản và Trung Quốc đã thường xuyên tới gần nhau trong nhóm đảo tranh chấp. Thực trạng đó khiến giới quan sát lo ngại những vụ va chạm sẽ leo thang thành xung đột vũ trang.

Các vụ máy bay hai nước tới gần nhau cũng xảy ra thường xuyên. Hồi tháng 10, máy bay quân sự Trung Quốc bay gần Nhật Bản trong ba ngày và Tokyo đã phái chiến đấu cơ lên trời để đáp trả.

Mặc dù Trung Quốc đã nâng cấp đáng kể chất lượng và số lượng máy bay do thám của hải quân và không quân trong vòng 10 năm qua, Gary tin rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng radar phòng không dọc bờ biển để theo dõi máy bay trong ADIZ mới.

“Máy bay do thám và chiến đấu sẽ chỉ xuất kích để thực hiện những nhiệm vụ cụ thể hơn, chứ không phải để giám sát vùng trời”, ông lập luận.

Trên thực tế, giới quan sát đang tập trung vào các phi trường và trạm radar trên bờ biển xung quanh Thượng Hải – thành phố có vị trí quan trọng về chiến lược đối với ADIZ trên biển Hoa Đông.

Giới chức Trung Quốc khẳng định họ sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế trong ADIZ. Trong khi đó, Yin Zhuo, một phó đô đốc của hải quân Trung Quốc, nói với đài truyền hình quốc gia rằng bắn máy bay trong không phận quốc tế là hành động phi pháp.

“Một khi bạn lọt vào không phận của Trung Quốc, chúng tôi có bắn bạn. Nhưng trước khi bắn chúng tôi sẽ cảnh báo rằng nếu bạn không cung cấp thông tin để nhận dạng mà vẫn bay vào không phận của Trung Quốc, chúng tôi sẽ thực hiện hành động mạnh”, Yin nói.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc không nói rằng các phi cơ tuần tra của Trung Quốc mang theo vũ khí hay không trong lúc chúng bay trong ADIZ.

“Đối với các vật thể không xác định hoặc có thể gây nên hiểm họa trong ADIZ, Trung Quốc sẽ căn cứ vào tình hình để nhận dạng, do thám và cân nhắc những biện pháp để xử lý. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ hợp tác chủ động để duy trì an toàn hàng không trên vùng trời”, người phát ngôn nói.

 

 

Thái Dương

Bạn có thể quan tâm