Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc sẽ hành động sao nếu Trump xích lại gần Đài Loan?

Với hàng loạt động thái cứng rắn hướng, ông Trump cho thấy rõ ý định sẽ có chính sách mới với Bắc Kinh. Nhưng Trung Quốc có nhiều cách để trả đũa lại nếu thay đổi xấu diễn ra.

Ngay sau khi đắc cử tổng thống, ông Trump đã phá vỡ các quy tắc ngoại giao trong gần 4 thập kỷ qua và trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên hội đàm qua điện thoại với một lãnh đạo Đài Loan, gây phản ứng gay gắt từ phía Bắc Kinh.

Dù đã chấm dứt quan hệ chính thức từ năm 1979 và công nhận “Một Trung Quốc”, Washington vẫn ngầm bán vũ khí và trợ giúp Đài Bắc trong nhiều năm qua.

Trump gan gui hon voi Dai Loan anh 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham quan nhà máy sản xuất máy bay Boeing tại Mỹ. Ảnh: Getty.

Theo New York Times, Trung Quốc đã là siêu cường mới và sẽ không dễ dàng để chính quyền Trump xích lại gần với Đài Loan. Đặc biệt khi Trung Quốc có trong tay những “con bài” dưới đây.

Đầu tư và thương mại

Năm 2015, Mỹ nhập 481,9 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và xuất khẩu 116,2 tỷ USD hàng hóa sang nước này, cho thấy thâm hụt thương mại vẫn là một vấn đề lớn đối với Mỹ. Cũng trong năm ngoái, Trung Quốc là chủ nợ và cũng là nhà đầu tư lớn nhất vào Mỹ với 171 thương vụ trị giá 15 tỷ USD, vượt xa con số đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc với số dân đông luôn là một thị trường màu mỡ đối với các tập đoàn Mỹ, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ. Năm ngoái, tập đoàn sản xuất chip Qualcomm đã chịu khoản phạt kỷ lục trị giá 1 tỷ USD do vi phạm luật chống độc quyền ở thị trường Trung Quốc.

Sắp tới nhiều tập đoàn khác được cho sẽ bị điều tra vi phạm này. Chống độc quyền có thể coi là công cụ hiệu quả để Bắc Kinh làm khó các công ty nước ngoài, điều mà những quan chức thương mại Mỹ luôn lo ngại.

Năm 2016 chứng kiến một thỏa thuận kỷ lục trị giá 11 tỷ USD của tập đoàn sản xuất máy bay Boeing với Trung Quốc, một thị trường hàng không đầy tiềm năng. Một số ý kiến cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể hủy đơn hàng này và chuyển sang hợp tác với đối thủ truyền thống của Boeing: Airbus.

Những ràng buộc về kinh tế ít nhiều sẽ khiến ông Trump cân nhắc trước khi đưa ra chính sách mới đối với Bắc Kinh và tìm cách thân thiết hơn với Đài Loan.

Trump gan gui hon voi Dai Loan anh 2
Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Hạt nhân Triều Tiên

Mới đây, ông Trump đã lên án Trung Quốc vì không giúp đỡ Mỹ trong vấn đề CHDCND Triều Tiên. Thực tế, Bắc Kinh đã tham gia vào các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc nhằm hạn chế xuất khẩu than của Bình Nhưỡng trong năm nay.

Đây được coi là bước đi khéo léo của Trung Quốc trong việc ngăn chặn các cuộc tập trận giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Seoul và Washington.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã xuất hiện từ khi Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tầm xa giai đoạn cuối THAAD ở Hàn Quốc và có khả năng sẽ tiếp tục ở Nhật Bản. Trong trường hợp mâu thuẫn với Mỹ gia tăng, Trung Quốc có khả năng quay lại ủng hộ và trợ giúp đồng minh lâu năm của mình là Triều Tiên thông qua các gói kinh tế, đầu tư…

Điều này chắc chắn sẽ khiến Washington gặp khó khăn trong việc thông qua các nghị quyết trừng phạt chính quyền ông Kim Jong Un ở Hội đồng Bảo an trong tương lai.

Biến đổi khí hậu

Chính quyền Tổng thống Obama đã dành rất nhiều nỗ lực nhằm buộc Trung Quốc tham gia các thỏa thuận chống biến đổi khí hậu và cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trump gan gui hon voi Dai Loan anh 3
Trung Quốc và Mỹ phê chuẩn thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris với sự có mặt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon. Ảnh: AFP.

Ô nhiễm không khí luôn là một vấn đề nhức nhối ở Trung Quốc và việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý tham gia các thỏa thuận này là một điều tất yếu. Tuy vậy, chúng chỉ được coi như một bước nhượng bộ của Trung Quốc đối với Mỹ hơn là những cam kết thực sự.

Chắc chắn ông Trump sẽ không muốn phá bỏ toàn bộ di sản mà ông Obama để lại. Dù trước đó tân tổng thống từng cho rằng biến đổi khí hậu chỉ là “trò lừa gạt” của Trung Quốc nhằm gây tổn hại tới kinh tế Mỹ, ông đã thanh minh đó chỉ là nói đùa.

Đài Loan

Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu từng cho rằng thứ Đài Loan cần nhất ở Trung Quốc là quan hệ kinh tế. Thực tế cho thấy hợp tác kinh tế giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đạt được rất nhiều thành tựu trong những năm vừa qua.

Nếu chính quyền mới của ông Trump tìm cách thân thiết hơn với Đài Loan, thứ bị ảnh hưởng đầu tiên chắc chắn là quan hệ kinh tế song phương Trung Quốc - Đài Loan. Trung Quốc hoàn toàn có thể giảm bớt đầu tư vào Đài Loan và hạn chế du khách tới đây, trực tiếp gây tổn hại lớn tới nền kinh tế của hòn đảo này.

Một số ý kiến cho rằng những động thái gần đây của ông Trump có thể khiến Trung Quốc lo lắng về việc Đài Loan tách ra và khẳng định độc lập. Nếu kịch bản này thực sự diễn ra, xung đột quân sự là một điều khó tránh khỏi.

Iran

Đầu năm nay, các nước đã đồng ý gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran. Ngay sau đó, Trung Quốc và Iran đã nâng tầm mối quan hệ thành đối tác chiến lược và dự kiến thương mại song phương sẽ tăng lên 600 triệu USD trong một thập kỷ tới.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Iran và khoảng ⅓ lượng dầu xuất khẩu của quốc gia Trung Đông này tới Trung Quốc. Đây được coi là bước đi khôn ngoan của Trung Quốc trong việc gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông và tìm cách làm giảm vai trò của Mỹ ở khu vực này.

Nếu mối quan hệ giữa chính quyền mới ở Washington và Đài Bắc trở nên nồng ấm, Bắc Kinh sẽ tìm cách tăng cường hợp tác với Iran và ngày càng củng cố vai trò của mình ở Trung Đông và có khả năng vượt qua ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này.

Rõ ràng, Mỹ còn rất nhiều điều cần để mắt, không chỉ có Đài Loan.

4 cú điện thoại của Trump khiến giới ngoại giao chấn động

Việc Trump nhận cuộc gọi của lãnh đạo Đài Loan hoặc không tiếc lời ca ngợi những lãnh đạo gây tranh cãi như tổng thống Philippines, thủ tướng Pakistan... khiến nhiều người lo ngại.

Trump: 'Tôi không muốn bị Trung Quốc chi phối'

Tổng thống tân cử Mỹ cho thấy ông có thể sẽ sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh khi đặt vấn đề Mỹ có thể từ bỏ lập trường Một Trung Quốc mà Washington duy trì lâu nay.

Thế Long

Bạn có thể quan tâm