Trước khi được bổ nhiệm đứng đầu Bộ Ngoại giao, ông Tần Cương giữ chức đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. Ông Tần được biết đến là nhà ngoại giao kỳ cựu, nổi tiếng với cách hành xử thận trọng và có sự nghiệp lẫy lừng trên trường quốc tế.
Thế nhưng ngay trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị mới, Ngoại trưởng Tần Cương hôm 7/3 cảnh báo xung đột và đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ là không thể tránh khỏi nếu Washington không thay đổi cách hành xử.
Phát biểu gây chú ý
Các chuyên gia nhìn nhận phát biểu hôm 7/3 của ông Tần rất khác so với những phát ngôn thường thấy thời ông còn giữ chức đại sứ tại Washington. Tân ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo "những hậu quả thảm họa" sẽ đến từ "canh bạc liều lĩnh" trong cách Washington cư xử với các siêu cường khác.
"Nếu Mỹ không dừng lại mà tiếp tục đi theo con đường sai lầm, sẽ chẳng hàng rào nào có thể ngăn cản con tàu trật bánh, chắc chắn đối đầu và xung đột sẽ đến", Ngoại trưởng Tần Cương nói bên lề phiên họp quốc hội Trung Quốc.
Trước sự theo dõi của đông đảo báo giới trong nước và quốc tế, phát biểu của Ngoại trưởng Tần Cương được coi đã đặt nền móng cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong những năm tới, cảnh báo Washington về những căng thẳng song phương, cũng như bảo vệ quan hệ đối tác giữa Bắc Kinh và Moscow.
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương. Ảnh: Reuters. |
Ông Tần cũng cáo buộc Mỹ đã phản ứng thái quá khi bắn rơi khí cầu của Trung Quốc hồi tháng trước. Tân ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng Washington đã tạo ra "một cuộc khủng hoảng ngoại giao đáng lẽ có thể tránh được".
"(Sự cố) cho thấy thế giới quan và góc nhìn của Mỹ về Trung Quốc đã méo mó trầm trọng. Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chính và là thách thức địa chính trị lớn nhất", ông Tần nói.
Quan chức Trung Quốc cho rằng Washington luôn tuyên bố muốn cạnh tranh, không muốn xung đột với Bắc Kinh, nhưng trên thực tế Mỹ theo đuổi chính sách "phong tỏa và chèn ép" chống lại Trung Quốc.
"Phong tỏa và chèn ép không giúp nước Mỹ vĩ đại, và nước Mỹ sẽ không thể ngăn cản Trung Quốc hồi sinh", ông Tần tuyên bố.
Ngoại trưởng Tần nói rằng Trung Quốc muốn "theo đuổi mối quan hệ tốt đẹp và ổn định với Mỹ", nhưng nước này sẽ không ngồi im khi bị công kích.
Trung Quốc sẽ cứng rắn hơn với Mỹ?
Phát biểu hôm 7/3 được Ngoại trưởng Tần Cương đưa ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình công khai chỉ trích các chính sách của Mỹ với Trung Quốc.
“Các nước phương Tây - do Mỹ dẫn đầu - đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bao vây và chèn ép toàn diện chống lại chúng ta, mang đến những thách thức nghiêm trọng chưa từng có với sự phát triển của đất nước ta”, Wall Street Journal dẫn các bản tin của truyền thông nhà nước Trung Quốc trích lời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Những bình luận này đánh dấu động thái khác lạ của ông Tập khi ông thường không chỉ trích trực tiếp Mỹ trong bài phát biểu công khai. Trước đó, trong các phát biểu trực tiếp trước công chúng hoặc do truyền thông nhà nước đưa tin, ông Tập thường không đề cập quốc gia cụ thể.
Những năm gần đây, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên ngày một căng thẳng hơn. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác truyền thống nhằm kiềm tỏa ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước Bộ tứ nhóm họp. Ảnh: Indian Times. |
Chính sách của chính quyền Tổng thống Biden là sự tiếp nối chính sách Xoay trục của chính quyền Tổng thống Barack Obama, và chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Trong phát biểu ngày 7/3, Ngoại trưởng Tần Cương công kích chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington, cáo buộc đây là chiêu bài để hình thành một liên minh nhằm kích động đối đầu, xây dựng một "phiên bản NATO của Châu Á - Thái Bình Dương".
"Mục đích thực sự của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là kiềm chế Trung Quốc. Chiến tranh Lạnh không nên tái diễn ở châu Á, một cuộc khủng hoảng kiểu Ukraine không nên tái diễn ở châu Á", ông Tần cảnh báo.
Theo Politico, phát biểu của ông Tần phản ánh sự lo ngại của Bắc Kinh trước khả năng tập hợp lực lượng của Mỹ ở châu Á. Ông Tần cũng đồng thời chỉ trích việc Nhật Bản mở rộng lực lượng vũ trang là một phần trong nỗ lực kiềm tỏa Bắc Kinh.
Michael Swaine, chuyên gia Viện nghiên cứu Quincy, cho rằng việc các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc công kích Mỹ là dấu hiệu Bắc Kinh sẽ có phản ứng ngày càng quyết liệt hơn với phương Tây.
"Đây là phản ứng trước những chỉ trích gay gắt về Trung Quốc mà Tổng thống Biden và nhiều quan chức trong chính quyền Mỹ đã đưa ra những tháng gần đây", ông Swaine nhận xét.
Li Mingjiang, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học S. Rajaratnam Singapore, nhận định bình luận của các lãnh đạo Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh tin rằng Mỹ và phương Tây không có thiện chí trong quan hệ song phương, theo New York Times.
"(Các phát biểu) rõ ràng cho thấy họ nghĩ quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới phương Tây sẽ rất khó khăn trong những năm sắp tới", ông Li nói.
Trong phát biểu ngày 7/3, Ngoại trưởng Tần Cương cảnh báo vấn đề Đài Loan là "lằn ranh đỏ đầu tiên không được vượt qua" trong quan hệ Mỹ - Trung. Theo CNN, ông Tần chất vấn phản ứng khác nhau của Washington trong vấn đề Đài Loan và Ukraine.
"Vì sao Mỹ nói về tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nhưng không tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan?", ông Tần nói.
Trước đó, một số hãng thông tấn quốc tế đưa tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy có thể sẽ hội kiến nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong tháng 4 tới. Financial Times cho biết bà Thái và ông McCarthy có thể gặp nhau tại California.
Tuy vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định "không có thông tin về bất cứ chuyến thăm nào đã được xác nhận" của nhà lãnh đạo Đài Loan. Cơ quan đối ngoại Đài Loan cho biết không có thông tin về chuyến thăm của quan chức Mỹ tới hòn đảo.
Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.