Ảnh hưởng của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên một lần nữa được minh chứng khi Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu thăm chính thức cấp nhà nước tới thủ đô Bình Nhưỡng. Trong chuyến thăm này, ông Tập cam kết hỗ trợ mà Bắc Kinh dành cho Bình Nhưỡng sẽ không suy chuyển, đồng thời kêu gọi Triều Tiên và Mỹ nối lại đối thoại.
Các nhà phân tích cho rằng cam kết mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm, một tuần trước hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang xích lại gần Bình Nhưỡng để đối phó với Washington. Tuy nhiên, chiến lược này có thể sẽ là con dao hai lưỡi đối với Trung Quốc.
Tái định hình quan hệ Trung - Triều
Bình Nhưỡng dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc một màn tiếp đón xa hoa và trang trọng khi ông Tập đến Triều Tiên hôm 20/6. Ông Tập cũng có chuyến thăm tới tượng đài tưởng niệm các chí nguyện quân Trung Quốc thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên thập niên 1950.
Hôm 22/6, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết ông Tập và ông Kim đã đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng sau khi trao đổi quan điểm liên quan những quan tâm chung về đối nội cũng như quốc tế.
"Các nhà lãnh đạo cấp cao thể hiện mong muốn tiếp tục quan hệ hữu nghị, bất chấp những thay đổi về tình hình thế giới", hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un khẳng định Bình Nhưỡng đã có những bước tiến về phía phi hạt nhân hóa, nhưng không nhận được "phản hồi tích cực từ bên liên quan". Đáp lời ông Kim, ông Tập khẳng định Trung Quốc quyết tâm ủng hộ con đường chiến lược mới của Triều Tiên.
Triều Tiên trang trọng đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: KCNA. |
Lim Eul Chul, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Viễn Đông, Đại học Kyungnam, Hàn Quốc, nhận định tình hình hiện trở nên "vô cùng phức tạp".
"Cam kết của Trung Quốc đối với Triều Tiên cho thấy quyết tâm đoàn kết với Bình Nhưỡng nhằm đối đầu Mỹ. Quan hệ Trung - Triều được nhìn nhận rộng rãi là quan hệ 'máu thịt', nhưng trên thực tế nó vốn chỉ mang tính tuyên truyền. Tuy nhiên, ông Tập đã thể hiện rõ ràng sự ủng hộ với Bình Nhưỡng và cho cộng đồng quốc tế thấy sự ảnh hưởng đối với Triều Tiên, điều này cho thấy quan hệ giữa hai nước đã có bước tiến đáng kể về mặt thực tế", ông Lim nhận định.
Bắc Kinh là nhà bảo trợ an ninh quan trọng nhất của Bình Nhưỡng kể từ sau chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Hiệp ước Quan hệ hữu hảo và hỗ trợ lẫn nhau ký năm 1961 bao gồm cam kết Trung Quốc sẽ can thiệp quân sự nếu Triều Tiên bị tấn công vũ trang bởi bất cứ quốc gia nào.
Từ sau khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền năm 2011, quan hệ Trung - Triều dần trở nên nguội lạnh. Những cuộc thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng khiến Bắc Kinh không hài lòng. Thời điểm đó, quan điểm chính của các chính trị gia tại Trung Nam Hải là rời xa Triều Tiên để cải thiện quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Khi Bình Nhưỡng chuyển hướng, tập trung vào phát triển kinh tế, đồng thời đề nghị Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận, quan hệ song phương Trung - Triều một lần nữa thân thiết trở lại. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un 2 lần đến thăm Bắc Kinh trước cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore, cho thấy Trung Quốc có sức ảnh hưởng đáng kể tới Triều Tiên.
Từ đó tới nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thêm 2 chuyến thăm Trung Quốc và 1 chuyến thăm Nga, với chương trình làm việc chủ yếu tập trung vào phát triển kinh tế.
Zhao Tong, chuyên gia từ Chương trình chính sách hạt nhân Carnegie, Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua, cho rằng việc tô đậm quan hệ lịch sử cũng như quan hệ tay ba Nga - Trung - Triều sẽ gây ra những nghi ngại từ phương Tây.
"Trung Quốc và Nga đang trở nên thân thiết hơn bởi họ có quan điểm chung về quản trị và quan hệ quốc tế. Trung Quốc, Nga và Triều Tiên sẽ cùng xích lại gần hơn bởi có ý thức hệ tương đồng, điều này sẽ tạo ra phản ứng dữ dội từ Mỹ và phương Tây", ông Zhao nhận xét.
Sự liên kết mang màu sắc ý thức hệ là lời nhắc nhở sống động về quá khứ Chiến tranh Lạnh đối với phương Tây. Các chuyên gia cho rằng liên kết này có nguy cơ khiến Mỹ cùng các đồng minh càng trở nên cứng rắn và siết chặt bao vây, cô lập, không chỉ với Triều Tiên mà thậm chí cả Trung Quốc và Nga.
Trung Quốc có dùng Triều Tiên để mặc cả?
Ông Tập Cận Bình là chủ tịch Trung Quốc đầu tiên có chuyến thăm cấp nhà nước tới Triều Tiên trong vòng 14 năm qua. Điều này cho thấy Trung Quốc đang và sẽ có cách tiếp cận thực tế hơn đối với Triều Tiên, quốc gia được cho là đã sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trước chuyến thăm, truyền thông Trung Quốc cho biết hợp tác kinh tế sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, chuyên gia về Triều Tiên là Zhang Liangui từ Trường Đảng trung ương Trung Quốc cho biết báo cáo chính thức về hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo không quá nhấn mạnh về vấn đề kinh tế.
"Điều này cho thấy Trung Quốc thực sự nghiêm túc trong việc thực hiện các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc. Trung Quốc sẽ không cung cấp hỗ trợ kinh tế quá nhiều cho Triều Tiên", ông Zhang cho biết.
Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là một lĩnh vực Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác, bởi Bắc Kinh sẽ khó có thể đạt được lợi ích chiến lược nếu dùng Bình Nhưỡng làm con bài mặc cả với Washington.
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Singapore tháng 6/2018. Ảnh: AFP. |
"Cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích chung trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, việc Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân không mang lại lợi ích gì cho Bắc Kinh", ông Zhang nhận xét.
Chuyên gia này cho rằng Trung Quốc cần xử lý vấn đề Triều Tiên rất thận trọng, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ và an ninh. Việc Trung Quốc giúp đỡ Triều Tiên lách các lệnh cấm vận sẽ càng khiến đối đầu Mỹ - Trung tồi tệ hơn.
"Mỹ có những công cụ hữu hiệu để trả đũa Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn muốn cho thấy thái độ hợp tác, sẵn sàng đổi chác để hợp tác trong những lĩnh vực khác", ông Zhang nói.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Jin Chang Soo từ Viện nghiên cứu chính sách Sejong, Hàn Quốc, cho rằng Trung Quốc có thể có mục tiêu khác, càng làm phức tạp cán cân quyền lực tại khu vực.
"Cam kết của Trung Quốc dành cho Triều Tiên có thể có ý nghĩa là họ muốn sử dụng vấn đề phi hạt nhân hóa để ép Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc", ông Jin nhận định.