Theo CNN, nỗ lực khôi phục các hoạt động kinh tế của Trung Quốc sẽ là một cuộc thử nghiệm đầy mạo hiểm. Đồng thời, cách làm của Bắc Kinh sẽ giúp gợi ý cho các quốc gia đang lao đao vì phải phong tỏa đất nước, đóng băng mọi hoạt động kinh tế nhằm kiềm chế dịch, khiến hàng triệu người mất việc làm và nền kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ suy thoái.
Trung Quốc - nơi dịch Covid-19 bùng phát - hạn chế đi lại và các hoạt động kinh tế từ cuối tháng 1 khi số ca lây nhiễm tăng vọt. Các biện pháp quyết liệt của Bắc Kinh có vẻ như đã đem lại hiệu quả. Số ca nhiễm mới giảm rất mạnh và trong tuần này, chính quyền sẽ gỡ bỏ lệnh phong tỏa tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của đại dịch.
Tuy nhiên, các biện pháp chống dịch khiến phần lớn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tê liệt trong nhiều tuần. Nhiều khả năng tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ co lại xuống thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Các nhà phân tích thuộc Goldman Sachs dự báo tăng trưởng GDP nước này sẽ lao dốc 9% trong quý I.
Giờ chính phủ Trung Quốc đang nóng lòng bù khôi phục sức khỏe của nền kinh tế. "Các thiệt hại kinh tế đã đến giới hạn không thể chịu đựng nổi... Trung Quốc không thể chờ đến khi dịch bệnh hoàn toàn biến mất mới khởi động lại các hoạt động kinh doanh và sản xuất", CNN dẫn lời nhà kinh tế Chendong Chen thuộc BNP Paribas nhận định.
Trung Quốc hạ mức cảnh báo dịch bệnh, người dân dần quay lại với các hoạt động kinh doanh và mua sắm tại Thượng Hải hôm 23/3. Ảnh: AFP. |
Vừa lo kinh tế, vừa sợ "làn sóng thứ hai"
Chính quyền các nước phương Tây cũng đang tính toán những tổn thất kinh tế dù virus corona chủng mới vẫn đang là mối đe dọa nghiêm trọng. Tại Mỹ, dịch chưa đạt đỉnh, nhưng Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố muốn sớm mở lại các hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh đã mở một chiến dịch truyền thông quy mô lớn nhằm thuyết phục các công ty mở cửa trở lại, rằng cuộc sống tại quốc gia này đã trở lại bình thường. Do đó, kinh nghiệm của Trung Quốc sẽ là bài học quý giá với phương Tây.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định việc khôi phục hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc là không hề dễ dàng. Dịch Covid-19 vẫn đang lây lan trên toàn thế giới, do đó Trung Quốc có thể đối mặt với nguy cơ "làn sóng lây nhiễm thứ hai" khi nhiều Hoa kiều trở về nước.
Ngoài ra, Trung Quốc vẫn chưa dập tắt dịch hoàn toàn. "Theo quan điểm của chúng tôi, nguy cơ làn sóng dịch thứ hai đang gia tăng ở Trung Quốc", nhà kinh tế trưởng Ting Lu thuộc Nomura lo ngại.
Kế hoạch giải cứu nền kinh tế Trung Quốc dựa trên một loạt các chính sách và chiến dịch nhằm khuyến khích người lao động trở lại làm việc, cải thiện niềm tin kinh doanh trong và ngoài nước và cứu các công ty đang trượt tới bờ vực phá sản.
Công nhân làm việc tại một trung tâm hậu cần ở Bắc Kinh. Ảnh: CNN. |
Ngoài hàng tỷ USD đã chi cho vật tư y tế và điều trị, chính phủ Trung Quốc bơm tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng để tạo công ăn việc làm. Bắc Kinh cũng giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và yêu cầu ngân hàng hoãn thu nợ của các hộ gia đình hoặc công ty gặp khó khăn.
Truyền thông Trung Quốc khẳng định nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Tân Hoa Xã mô tả Tesla là "biểu tượng của niềm tin kinh doanh nước ngoài tại Trung Quốc" sau khi hãng xe điện Mỹ mở lại nhà máy ở Thượng Hải và công bố kế hoạch mở rộng sản xuất.
Hiện, số ca nhiễm mới tại Trung Quốc giảm mạnh, nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu gỡ bỏ hàng rào phong tỏa, cho phép người dân đi lại tự do hơn. Bắc Kinh ra lệnh cho các công ty đường sắt và hàng không đưa đón lao động nhập cư "từ cửa nhà đến cổng nhà máy”.
Còn nhiều rủi ro
Khoảng 290 triệu lao động nhập cư làm những công việc có thu nhập thấp nhưng là động lực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Hôm 24/3, chính quyền tỉnh Hồ Bắc - nơi dịch Covid-19 bùng lên - tuyên bố người lao động nhập cư có sức khỏe tốt có thể quay lại làm việc vào cuối tuần này.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết hơn 90% công ty công nghiệp ở hầu hết tỉnh đã hoạt động trở lại từ ngày 17/3. Các doanh nghiệp vừa nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn, chỉ 60% mở cửa từ giữa tháng 3.
Bắc Kinh thừa nhận việc khôi phục các hoạt động kinh tế có nhiều rủi ro. Dịch bệnh vẫn lan rộng trên toàn cầu, mỗi ngày Trung Quốc có thêm hàng chục ca nhiễm mới "nhập khẩu" (người Trung Quốc mắc bệnh ở nước ngoài về nước). Hong Kong cũng chứng kiến số ca nhiễm mới "nhập khẩu" tăng cao.
Việc một số doanh nghiệp mở cửa đón lao động quá sớm gây khó khăn cho chiến dịch chống dịch bệnh. Một nhà máy sản xuất titan lớn mở cửa hồi tháng 2 và lập tức đóng cửa vì nhiều công nhân nhiễm virus.
Trong khi đó, các học giả lo ngại áp lực khôi phục kinh tế trong nỗi sợ nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại sẽ tạo nên một bức tranh kinh tế méo mó ở Trung Quốc.
Nhân viên văn phòng ra về trong giờ cao điểm tại Bắc Kinh. Ảnh: CNN |
Mới đây, tạp chí Tài Kinh bóc mẽ việc một số nhà máy ở tỉnh Chiết Giang bật đèn xuyên đêm, để máy chạy không. Mục đích là báo cáo gian dối với chính quyền địa phương rằng doanh nghiệp có hoạt động và tiêu thụ điện.
Tài Kinh cho biết các nhà sản xuất này không thể hoạt động thực sự do thiếu công nhân. Trong khi đó, chính quyền địa phương do dự, không dám gây sức ép buộc các công ty sớm mở cửa trở lại vì lo ngại tình trạng tụ tâp đông người khiến virus lây lan.
“Chính quyền địa phương và các nhà máy lo sợ bị trung ương phạt nặng nếu để dịch bùng phát trở lại. Họ chọn cách an toàn nhất, đó là hoãn khôi phục các hoạt động kinh doanh thực sự”, CNN dẫn lời giáo sư Victor Shih thuộc Đại học California nhận định.
Gợi ý cho phương Tây
Dữ liệu sai lệch về mức tiêu thụ điện của các nhà máy là chủ đề gây xôn xao tại Trung Quốc. Giáo sư kinh tế Cao Heping thuộc Đại học Bắc Kinh cảnh báo dữ liệu kinh doanh giả mạo của các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại sẽ giết chết kế hoạch phục hồi kinh tế của Trung Quốc.
Giáo sư Cao nhấn mạnh nếu chính quyền và doanh nghiệp các địa phương giả mạo dữ liệu kinh doanh và vẫn "nằm vùng", sẽ rất khó để nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ cao ở nửa cuối năm nay.
Mặc dù còn nhiều nghi ngờ về mức độ khôi phục kinh tế của Trung Quốc, giới quan sát cho rằng việc Bắc Kinh kiềm chế dịch bệnh và bắt đầu nối lại các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ là gợi ý tốt cho các nước còn đang lao đao trong khủng hoảng.
Chính phủ nhiều nước đang rất lo lắng việc phong tỏa và cách ly sẽ đẩy nền kinh tế quốc gia và toàn cầu vào suy thoái. Nhà nghiên cứu David Dollar thuộc Viện Brookings nhận định các nước phương Tây có thể cũng sẽ đầu tư vào các dự án hạ tầng và hệ thống chăm sóc y tế, cộng với giảm thuế để kích thích tiêu dùng.
“Phần lớn các nước sẽ thực hiện chính sách kích thích kiểu như vậy", chuyên gia Dollar dự báo. Dù vậy, cấu trúc kinh tế của Trung Quốc và các nước phương Tây có sự khác biệt lớn.
Các nhà máy Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Ảnh: CNN. |
Giáo sư Victor Shih thuộc Đại học California, cho biết hệ thống hạ tầng do nhà nước xây dựng của lớn hơn nhiều so với các nước phát triển, do đó trở thành đòn bẩy kinh tế mạnh mẽ hơn.
“Chính quyền Trung Quốc đang khởi động một số dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn do nhà nước đầu tư để huy động lực lượng lao động nhàn rỗi trong nước. Các ngành phục vụ những dự án này không khó nối lại hoạt động”, giáo sư Xiaobo Lü thuộc Đại học Columbia giải thích.
Trong khi đó, khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng hơn nhiều trong các nền kinh tế phương Tây. "Thách thức với phương Tây là nhà nước chỉ có thể khuyến khích người dân chi tiêu, tới nhà hàng, rạp chiếu phim và sân vận động", giáo sư Shih giải thích.
"Chính quyền các nước phương Tây không thể tìm cách ép công nhân trở lại làm việc ở nhà máy. Thách thức đối với phương Tây rất khác biệt và sẽ phụ thuộc phần lớn vào tiêu dùng", ông nhấn mạnh.