Theo số liệu được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố sáng 20/3, Trung Quốc đại lục (không tính Hong Kong, Macao và Đài Loan) ghi nhận 39 ca nhiễm mới trong ngày 19/3, toàn bộ đều là người vừa nhập cảnh Trung Quốc.
Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Trung Quốc không có ca nhiễm mới phát sinh trong nước. Nước này ghi nhận chỉ 3 ca tử vong trong ngày 19/3, mức thấp nhất theo ngày trong hai tháng qua tính từ ngày 21/1, hai ngày trước khi Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán
Trung Quốc ngày 19/3 đạt đến cột mốc quan trọng trong cuộc chiến với Covid-19 khi lần đầu tiên không phát hiện ca nhiễm nội địa. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm bùng phát dịch virus corona, ngày 19/3 cũng lần đầu tiên sau gần ba tháng không phát hiện bất kỳ ca nhiễm nào, dù là nguồn lây nhiễm nội địa hay nhập cảnh.
Con số ở Trung Quốc là bức tranh trái ngược với diễn biến tại nhiều nơi khác, cụ thể là Mỹ và châu Âu. Dịch bệnh bên ngoài Trung Quốc tiếp tục lan rộng, trong khi tình hình tại nước này đã dần được kiểm soát.
Theo South China Morning Post, nhiều chuyên gia dịch tễ học đã cảnh báo Trung Quốc đừng vội tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến với Covid-19, căn bệnh gây nên bởi chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) đã cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người trên toàn thế giới.
Nước này chỉ mới khống chế dịch bệnh trong làn sóng đầu tiên sau khi khởi phát, trong khi vẫn còn nguy cơ "làn sóng thứ 2" với những ca nhiễm nhập cảnh từ nước ngoài.
Có thể ập đến bất kỳ lúc nào
"Còn quá sớm để ăn mừng. Thậm chí có khả năng làn sóng thứ 2 đã bắt đầu tại Trung Quốc, nhưng vẫn còn quá sớm để phát hiện", Ben Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Cộng đồng, Đại học Hong Kong, nhận định.
Raina Maclntyre, lãnh đạo chương trình nghiên cứu an ninh sinh học của Viện Kirby, Đại học New South Wales, cảnh báo Trung Quốc cần tìm cách ứng phó nguy cơ "nhập khẩu bệnh" khi số ca nhiễm ở nước ngoài đang tăng nhanh.
"Dù bạn cho rằng số ca nhiễm thật sự ở Trung Quốc cao gấp 100 lần số ca được phát hiện, con số đó chỉ tương đương khoảng 1% dân số. Như vậy, phần lớn dân số vẫn dễ nhiễm virus", Maclntyre cảnh báo.
"Vẫn có nguy cơ dịch bùng phát trở lại, nhưng nếu Trung Quốc nâng cao khả năng giám sát và phát hiện sớm, họ có thể khống chế được dịch", cô đánh giá.
Áp lực với các bệnh viện ở tâm dịch Vũ Hán đã giảm phần nào so với đỉnh dịch. Ảnh: Xinhua. |
"Cho đến khi chúng ta có được vắc-xin, mọi nước đều phải tìm cách kéo phẳng đường cong của dịch bệnh, duy trì hệ thống y tế ở mức độ đủ khả năng đối phó dịch và chờ đến ngày đó. Khoảng thời gian có thể lên đến 12-18 tháng. Đây sẽ là thách thức lớn cho mọi quốc gia", Maclntyre đưa ra khuyến nghị.
Jeffrey Shaman, giáo sư tại Trường Y tế Cộng đồng Mailman, thuộc Đại học Columbia, lo ngại Trung Quốc còn những ca bệnh chưa được ghi nhận và có tiềm năng bùng phát.
"Một khi những biện pháp kiểm soát được dỡ bỏ, virus sẽ bùng trở lại. Thậm chí, kể cả khi đã diệt hết virus trong nước, nó vẫn có thể tái xâm nhập từ một quốc gia khác. Phần lớn dân số Trung Quốc vẫn còn nguy cơ nhiễm bệnh, nên quá trình lây lan sẽ diễn ra rất nhanh", Shaman nói.
Tổng cộng, Trung Quốc đã ghi nhận 80.976 ca nhiễm và 3.248 ca tử vong tại đại lục. Đến nay, 6.559 người đang được điều trị, với 2.136 ca bệnh nặng. Số người thuộc diện nghi ngờ được thống kê trong ngày 19/3 là 31, nhưng không có ai tại Hồ Bắc, nơi Vũ Hán là tỉnh lỵ.
Một số chuyên gia vẫn lo ngại về độ chính xác trong số liệu mà Trung Quốc công bố. Trong giai đoạn đỉnh dịch, NHC đã nhiều lần điều chỉnh tiêu chí chẩn đoán bệnh khiến số liệu trở nên khó đoán.
Một nghiên cứu vừa qua cho thấy ca bệnh đầu tiên có thể đã xảy ra vào tháng 11/2019, nhưng mãi đến cuối tháng 12 thì các bác sĩ Trung Quốc mới nhận ra họ đang đối phó một căn bệnh hoàn toàn mới.
Nhờ số ca nhiễm mới đã giảm, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đang bắt đầu nới lỏng một số biện pháp phong tỏa, được áp dụng từ ngày 23/1 cho gần 50 triệu dân trên toàn tỉnh. Tại thủ phủ Vũ Hán, chính quyền thành phố thông báo cư dân một số chung cư sẽ được ra khỏi nhà nếu nơi họ ở không ghi nhận ca nhiễm mới trong 7 ngày qua. Những hoạt động tụ tập đông người vẫn trong diện cấm.
Ở những thành phố khác cùng tỉnh, chính quyền Hồ Bắc ngày 19/3 ra lệnh cho giới chức địa phương và cán bộ phong tỏa chỉ cần quét mã QR của người dân để kiểm tra khai báo y tế. Người dân không cần đưa thêm bằng chứng nào khác về bản thân.
Nhân viên y tế Trung Quốc theo dõi danh sách các chuyến đến sân bay Thượng Hải. Ảnh: AFP. |
Chặn "nhập khẩu" ca bệnh
Virus corona đang lây lan trên phạm vi toàn cầu, ở 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận là đại dịch. Dịch bệnh khởi phát và diễn biến nghiêm trọng ở Trung Quốc, sau đó lan rộng đến nhiều nước khác.
Italy tính đến ngày 19/3 phát hiện tổng cộng 41.035 ca nhiễm và 3.405 ca tử vong vì Covid-19, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Quốc gia Nam Âu đã vượt qua Trung Quốc đại lục và trở thành nước có số ca tử vong liên quan đến Coid-19 cao nhất thế giới.
Trong khi đó, Iran đã ghi nhận đến 18.077 ca nhiễm và ít nhất 1.284 bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Hai con số này ở Tây Ban Nha lần lượt là 18.077 và 833 trường hợp. Mỹ cũng đang trong tình trạng khẩn cấp vì đại dịch. Số ca nhiễm được phát hiện ở nước này đã vượt mốc 14.200, trong đó có hơn 200 ca tử vong.
Người phát ngôn NHC Mễ Phong cho biết số ca nhiễm nhập cảnh đang chiếm khoảng 85% tổng số ca nhiễm mới của Trung Quốc đại lục khoảng 7 ngày qua. Ông nhấn mạnh việc siết chặt kiểm soát biên giới là biện pháp cần thiết để chống dịch bệnh bùng phát trở lại. Cụ thể, một số chuyến bay đến Trung Quốc sẽ được chuyển hướng bay và cho hạ cánh ở Thiên Tân hoặc Nội Mông để ngăn nguy cơ dịch bệnh bùng phát ở thủ đô.
Zhong Nanshan, một nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, cảnh báo nếu chính phủ không can thiệp quyết liệt thì virus corona sẽ không bị tiêu diệt.
"Tôi nghĩ nhiều nước cần áp dụng các biện pháp dựa trên cơ chế can thiệp mà Trung Quốc đã xây dựng. Kiểm soát từ thượng nguồn là một biện pháp cổ xưa nhưng hiệu quả", ông Zhong trả lời họp báo ngày 18/3.
"Nguyên tắc cốt lõi là 'bốn sớm', gồm: phòng ngừa sớm, phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và cách ly sớm", ông chia sẻ.
"Giờ đây, châu Âu đang trải qua làn sóng bùng phát dịch lần một. Số ca nhiễm sẽ tiếp tục nhảy vọt. Tôi đề xuất họ có những biện pháp mạnh tay hơn để khống chế dịch. Họ cần xét nghiệm và cách ly mọi thành viên gia đình và người tiếp xúc gần các ca nhiễm, đừng chờ đến khi họ có triệu chứng", Zhong đánh giá.
"Tôi không dám nhận cách của Trung Quốc là cách duy nhất hay tốt nhất. Tình hình ở mỗi nước mỗi khác. Trung Quốc đã trả giá đắt bằng nền kinh tế để gìn giữ sức khỏe người dân. Nhiệm vụ kế tiếp là khôi phục sản xuất", ông chia sẻ.