Thị trấn Codogno ở miền Bắc nước Italy giờ đây không khác mấy một thị trấn ma.
16.000 cư dân Codogno được lệnh ở trong nhà. Người ta tin rằng đây là nơi dịch Covid-19 bùng phát tại Italy vào ngày 18/2, khi một vận động viên nam 38 tuổi bị khó thở liên tục nhưng các văn phòng bác sĩ và bệnh viện địa phương đều cho về mà không xét nghiệm. Hậu quả là người đàn ông này đã vô tình lây lan bệnh cho hàng chục người trong nhiều ngày.
Bác sĩ Lorenzo Casani, người điều hành một bệnh viện ở địa phương cho biết: "Chúng tôi biết 'Bệnh nhân 1' đã ra vào ít nhất ba hoặc bốn lần từ phòng cấp cứu, vì vậy anh ấy đã truyền virus cho nhiều bệnh nhân khác và cả các nhân viên y tế".
Virus corona đã nhanh chóng lây lan từ các thị trấn nhỏ ở phía Bắc đến thành phố lớn như Milan. Và rồi Italy "vỡ trận".
"Anh biết đấy, chúng tôi đã xem người ta chiếu trên TV về tình hình ở Trung Quốc, và khi thấy họ xây dựng gấp rút hai bệnh viện trong một tuần tôi nói, ‘Chuyện này thật điên rồ’, tiến sĩ Giacomo Grasselli, lãnh đạo tuyến đầu chống dịch Covid-19 của Milan chia sẻ.
"Bây giờ thì tôi hoàn toàn hiểu tại sao họ làm thế".
Grasselli nhanh chóng tháo khẩu trang phẫu thuật mà anh đeo gần như liên tục tại bệnh viện trước khi chia sẻ CBC News về những gì đang diễn ra trong các bệnh viện của Italy khi dịch bệnh bùng phát.
Nhân viên y tế trong khu vực chăm sóc ICU ở bệnh viện Brescia, Italy, hôm 19/3. Ảnh: AP. |
"Giống như thể một quả bom chứa đầy bệnh nhân nổ tung và mỗi ngày bạn phải tiếp 50, 60, 70 bệnh nhân mới và việc lo có đủ chỗ cho từng người một là cả một thách thức”.
"Thế nên những gì đang diễn ra thật vượt ngoài sức tưởng tượng và tới nay chuyện này là một trải nghiệm tồi tệ, một trải nghiệm rất tồi tệ", ông nói.
Khủng hoảng đạo đức: Cứu sống hay bỏ mặc?
Với số ca tử vong vì Covid-19 được xác nhận là 3.405 trường hợp hôm 19/3, Italy chính thức vượt Trung Quốc và trở thành nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Ca nhiễm tại Italy đã lên tới 41.035 trường hợp.
Nước này chứng kiến tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới khi ngay cả tại Trung Quốc, ổ dịch đầu tiên hiện chỉ 3.200 ca tử vong với tổng số 81.000 ca nhiễm.
Tất cả các bệnh viện ở miền Bắc Italy đang ở bờ vực vỡ trận. Các nhân viên chăm sóc sức khỏe hoàn toàn kiệt sức, chính bản thân họ cũng sợ hãi mình có thể nhiễm phải virus và lây lan bệnh cho gia đình. Máy thở là thứ duy nhất giữ cho những bệnh nhân ốm yếu nhất còn sống, và chuyện không còn đủ máy để dùng luôn có thể xảy ra.
Điều này dẫn tới việc các bác sĩ rơi vào tình thế đường cùng: họ phải đưa ra quyết định đau đớn là cứu hay để mặc bệnh nhân. Người già và những người mắc bệnh phức tạp là những trường hợp họ có thể phải hi sinh.
"Nếu bạn phải lựa chọn giữa một người 75 tuổi và một người 20 tuổi, bạn sẽ chọn ai? Rõ ràng, bạn phải lựa chọn người có triển vọng sống cao hơn", Casani nói.
"Thế nên sẽ có những lúc một bác sĩ gây mê phải tháo mặt nạ trợ thở từ người đàn ông 75 tuổi và dùng nó cho cô gái 20 tuổi. Quyết định này là kinh khủng cho các bác sĩ, nhưng rõ ràng là cần thiết”.
“Đương nhiên, điều đó có nghĩa là một số bệnh nhân sẽ bị bỏ lại vì không thể nào điều trị cho tất cả", giáo sư Yascha Mounk thuộc Đại học Johns Hopkins ở Washington D.C., Mỹ, cho biết.
Italy là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên cấm các chuyến bay từ Trung Quốc, nơi virus corona này bắt nguồn, khiến nhiều cuộc tranh luận nổ ra về lý do tại sao đất nước này bị tấn công mạnh như vậy. Ảnh: AP. |
Yascha Mounk là người nghiên cứu những tình thế tiến thoái lưỡng nan về đạo đức của y tế “kiểu chiến trường”.
"Ý tôi là, tôi không thể tưởng tượng được sự tàn phá về tâm lý những quyết định kiểu này sẽ gây ra cho các bác sĩ và y tá. Họ vốn đã đối diện mối nguy hiểm lớn, làm việc suốt ngày đêm, trong những tình huống khẩn cấp, nhìn thấy cả tá người chết và giờ đây lại thêm cả những căng thẳng tâm lý khi phải nhìn vào một bệnh nhân và nói, 'Tôi sẽ không thể làm gì cho anh nữa rồi'. Thật khó mà hiểu được họ đang cảm thấy thế nào".
Tại sao Italy chịu ảnh hưởng nặng nề?
Một cuộc tranh luận đã nổi lên để tìm lời lý giải cho câu hỏi tại sao Italy là nước lớn đầu tiên của phương Tây bị virus tấn công, đặc biệt khi đây là một trong những quốc gia đầu tiên cấm các chuyến bay từ Trung Quốc.
Một số người chỉ ra rằng Ý có độ tuổi trung bình dân số cao nhất châu Âu. Ý kiến khác tập trung chỉ trích ô nhiễm không khí ở các khu vực công nghiệp phía Bắc đã tạo điều kiện để bệnh viêm phổi lan rộng.
"Ở khu vực phía bắc, tình trạng ô nhiễm không khí là tồi tệ nhất châu Âu, và điều này có liên quan đến mức độ nhiễm virus và bệnh viêm phổi cao", bác sĩ Casani nói.
Về lý do tại sao Covid-19 lây lan rất nhanh khi đến Ý, ông nói, "Chúng tôi không có phương án khẩn cấp cho đại dịch. Chúng tôi chỉ có kế hoạch dự phòng cho tình huống thảm họa tự nhiên. Và, cũng vì là nước đầu tiên, chúng tôi hoàn toàn không chuẩn bị kịp".
Giáo sư Yascha Mounk lại có cách nhìn khác.
"Tôi nghĩ câu hỏi 'Tại sao là Italy?' là câu hỏi quan trọng nhất và câu trả lời thì rất đơn giản: không có lý do nào cả. Điều duy nhất làm cho Italy khác biệt là một số ca nhiễm đầu tiên đã đến Italy khoảng 10 ngày trước khi xuất hiện tại Đức, Mỹ hay Canada. Vì vậy, nếu các quốc gia khác không phản ứng khẩn cấp ngay bây giờ, họ sẽ trở thành Italy".