Chính phủ hàng loạt nước châu Âu đang tiến hành chính sách hạn chế xã hội với mức nghiêm ngặt chưa từng có tiền lệ trong thời bình, nhằm giảm tốc độ lây lan của virus corona và không để hệ thống y tế quốc gia sụp đổ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cuối tuần qua chính thức xem châu Âu là tâm điểm mới của đại dịch Covid-19, căn bệnh gây nên bởi chủng virus corona mới (SARS-CoV-2). Hàng loạt quốc gia trên khắp châu lục bắt đầu tiến hành những biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội, từ tuyên bố đóng cửa các địa điểm tập trung đông người đến lệnh cách ly với quy mô cả nước.
Chính sách phong tỏa ở châu Âu chưa từng nghiêm ngặt đến vậy kể từ khi Thế chiến II kết thúc gần 3/4 thế kỷ qua. Số ca nhiễm và bệnh nhân tử vong vì nhiễm virus corona ở “lục địa già” đang cao hơn tất cả khu vực khác trên thế giới gộp lại, trừ Trung Quốc đại lục, theo tuyên bố của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Việc trở thành tâm dịch khiến châu Âu vô hình trung bị “cách ly” với phần còn lại của thế giới, tương tự những gì đã diễn ra với Trung Quốc đại lục vào thời gian đầu bùng phát đại dịch.
Mỹ cấm mọi di chuyển từ gần như tất cả quốc gia châu Âu, bao gồm 26 nước ký thỏa thuận miễn thị thực Schegen cùng Anh và Ireland. Đặc khu Hong Kong của Trung Quốc cùng một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng dự kiến nối gót, giữa lúc bức màn phong tỏa đang nhanh chóng phủ bóng lên khắp châu Âu.
Italy, “khu vực số 0” bùng phát dịch bệnh ở châu Âu, đã chính thức bước sang ngày thứ bảy trong tình trạng cách ly toàn quốc, được Thủ tướng Giuseppe Conte công bố vào đêm 9/3. Các biện pháp hạn chế đi lại và cấm gần như mọi hoạt động tụ tập đông người. Thủ tướng Conte nhấn mạnh mọi người dân cần ở trong nhà để giảm đà lây nhiễm của virus trong cộng đồng. Ông khẳng định sẽ “không chỉ có vùng đỏ” là 15 tỉnh miền Bắc mà toàn bộ Italy phải phong tỏa.
Đây là động thái chưa từng có tiền lệ ở Italy và cả châu lục kể từ sau Thế chiến II. Trong lịch sử hiện đại, chưa có nền dân chủ nào ở châu Âu trong thời bình phải tiến hành các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập đông người một cách toàn diện như vậy, kể cả trong nhiều biến cố nghiêm trọng như khủng hoảng giá dầu hay khủng bố, theo Wall Street Journal.
Liên minh Châu Âu (EU) khi đó đã ca ngợi “những biện pháp vô cùng dũng cảm” của Italy. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis nhận định các bước đi này sẽ “đè nặng áp lực lên người dân Italy, nhưng thực hiện chúng vào lúc này vẫn tốt hơn nhằm bảo vệ càng nhiều người càng tốt”.
Dù vậy, cuộc khủng hoảng đã không dừng lại ở quốc gia Nam Âu. Chỉ vài ngày sau, nhiều quốc gia trong khu vực đồng loạt siết chặt những biện pháp hạn chế cứng rắn trong nỗ lực kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh đang bùng phát.
Tây Ban Nha là quốc gia thứ hai sử dụng đến biện pháp phong tỏa và các lệnh giới hạn đi lại trên toàn quốc nhằm ứng phó Covid-19. Số ca nhiễm tăng vọt với hơn 1.200 bệnh nhân mới trong ngày 12/3, buộc chính quyền nước này tiến hành các biện pháp phong tỏa ngay trong đêm, bắt đầu từ 4 địa phương phía bắc Barcelona, thủ phủ vùng Catalonia trù phú, và đến sáng hôm sau là phong tỏa cả thủ đô Madrid.
Đất nước trên bán đảo Iberia của châu Âu ngày 14/3 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc trong vòng 15 ngày. Mọi cửa hàng không kinh doanh hàng hóa thiết yếu cùng các địa điểm tập trung đông người như nhà hàng, quán bar, quán cà phê, rạp chiếu phim và sân bóng đá phải dừng hoạt động. Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ được ra ngoài vì công việc, mua thực phẩm, thuốc men, đến ngân hàng hoặc bệnh viện.
Thủ tướng Pedro Sanchez phải dùng đến quyền lực khẩn cấp để huy động các nguồn lực an ninh và y tế quốc gia. Sau cuộc đại đình công ngành hàng không năm 2000, đây là lần thứ hai quyền lực khẩn cấp được dùng đến ở Tây Ban Nha kể từ sau cái chết của nhà độc tài Francisco Franco vào năm 1975.
Dù không chính thức gọi là phong tỏa toàn quốc, những biện pháp hạn chế đi lại được Tây Ban Nha thực thi với gần 60 triệu dân ở mức độ khắt khe nhất kể từ Thế chiến II, với sự tham gia của cảnh sát và lực lượng vũ trang, theo New York Times.
Những biện pháp “bán phong tỏa” tương tự được Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông qua vào ngày 15/3. Chính phủ kêu gọi hơn 66 triệu dân hạn chế ra đường sau khi số ca nhiễm tăng gần gấp đôi chỉ sau 72 tiếng, lên khoảng 4.500 bệnh nhân với ít nhất 91 ca tử vong. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo chính phủ sẵn sàng có những bước đi quyết liệt hơn để bảo vệ sức khỏe người dân cả nước.
Các quảng trường thường đông đúc tại Paris và Madrid trở nên vắng lặng sau những biện pháp mạnh tay của chính phủ hai nước. Thủ tướng Philippe nhấn mạnh ông buộc phải hành động quyết liệt sau khi những khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người ban đầu không được người dân tuân thủ hiệu quả. Tâm lý chủ quan dẫn đến dịch bệnh bùng phát là bài học đắt giá mà Tây Ban Nha và Pháp rút ra được từ “khu vực số 0” Italy.
Italy đang là nước có số ca nhiễm và ca tử vong vì Covid-19 cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, họ cũng là quốc gia có các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh quyết liệt sớm nhất ở châu Âu. Ngay sau khi phát hiện và cô lập hai ca nhiễm đầu tiên vào ngày 29/1, Thủ tướng Conte lập tức tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng và trở thành nước đầu tiên tại châu lục chặn các chuyến bay đến từ Trung Quốc.
Tình hình có vẻ trong tầm kiểm soát của chính phủ Italy trong gần hết tháng 2, cho đến khi nước này bất ngờ ghi nhận hai ca tử vong đầu tiên vì nhiễm virus corona ở thị trấn Codogno, vùng Lombardy, ngày 23/2. Dịch bệnh bùng phát ở miền Bắc Italy dù chính quyền lập tức phong tỏa 50.000 người ở Codogno và 10 thị trấn lân cận.
Các biện pháp hạn chế đi lại được ban bố cho thành phố Milan, đầu tàu kinh tế của các nước, với lệnh đóng cửa trường học và lệnh giới nghiêm sau 18h mỗi ngày cho quán bar và nhà hàng.
Dù vậy, mọi nỗ lực hóa ra đã quá muộn màng. Bầu không khí an toàn của người dân Italy kéo dài gần một tháng trước đó thật ra là khoảng thời gian virus “âm thầm lây nhiễm” trên diện rộng.
Nhiều chuyên gia cho rằng các ca dương tính với virus corona, không được phát hiện do triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, đã xuất hiện ở Italy từ giữa tháng 1. Vấn đề là những ca tử vong đã không đến với Italy đủ nhanh để gióng lên hồi chuông báo động kịp thời.
“Có vẻ dịch bệnh đã bùng phát từ đầu tháng 1, như vậy nó mới có thời gian để phát triển lên một quy mô đáng kể. Những ca nhiễm đầu tiên đã bị bỏ sót và virus lây lan không ai ngăn chặn”, Christian Althaus, chuyên gia tính toán về dịch tễ học, Đại học Bern (Thụy Sĩ), đánh giá.
Virus bắt đầu lộ diện trở lại vào ngày 18/2 ở Italy khi một người đàn ông 38 tuổi nhập viện tại Codogno với triệu chứng sốt cao. Dù vậy, cơ sở y tế địa phương không nghi ông nhiễm virus corona vì chưa từng đến Trung Quốc đại lục hay nơi có bùng phát dịch. Ông được cho về nhà, nhập viện trở lại hai ngày sau và được xét nghiệm dương tính với virus, trở thành ca nhiễm bản địa đầu tiên ở Italy. Chuỗi lây nhiễm khi đó đã mở rộng vượt khả năng kiểm soát.
Stefano Rusconi, phó giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại DIBIC Luigi Sacco, Đại học Milan, cho rằng cuối cùng virus vẫn “tìm ra” đường vòng để lây lan đến đất nước Nam Âu. Những nghiên cứu gần đây về thông tin di truyền của chủng virus ở Italy cho thấy mầm bệnh có thể đã đến từ Đức.
Rusconi cho biết trong khi Italy quyết liệt tiến hành các xét nghiệm virus corona, những nước khác trong khu vực không hành động đủ hiệu quả trong việc phát hiện ca nhiễm. Điểm sơ hở này khiến việc chặn chuyến bay từ Trung Quốc bị vô hiệu hóa.
“Điều duy nhất chúng tôi đáng lẽ nên làm khác đi là phong tỏa ngay từ ngày 30/1, một quyết định vào thời điểm đó vốn bất khả thi và ngoài sức tưởng tượng”, Rusconi trả lời Wired.
Nini Cartabellotta, Chủ tịch Quỹ Y học Thực chứng Italy (GIMBE), thì cho rằng có 3 khả năng dẫn đến bùng phát dịch diện rộng mà hệ thống y tế nước này không kịp trở tay.
“Thứ nhất, có thể một số ca nghi viêm phổi đã không được xét nghiệm. Thứ hai, có thể đã không xuất hiện ca bệnh nào nghiêm trọng, chỉ dừng ở những triệu chứng lâm sàng mức độ vừa. Và khả năng thứ ba nằm ở mức độ tập trung của chính sách y tế trong việc truy tìm virus corona”, nhà cố vấn hàng đầu cho cơ quan y tế Italy nhận định.
Sự thiếu tập trung mà Cartabellotta đề cập chính là tâm lý xem nhẹ dịch virus corona thể hiện trong phát biểu và hành động của một số giới chức Italy. Ngày 25/2, gần 4 ngày trước khi nước này ghi nhận hai ca tử vong đầu tiên vì Covid-19, Thống đốc vùng Lombardy vẫn tự tin tuyên bố trước cơ quan lập pháp vùng rằng chủng virus corona mới “chỉ hơn cúm mùa thông thường một chút”. Một ngày sau, chính quyền Lombardy nới lỏng các biện pháp hạn chế với quán bar và nhà hàng, chưa đầy 3 ngày sau khi lệnh có hiệu lực và ít hơn nhiều so với thời gian ủ bệnh 14 ngày của chủng virus bí ẩn.
Lãnh đạo đảng Dân chủ (PD) theo lập trường trung tả, Nicola Zingaretti trong tuần đó còn đến Milan với thông điệp Italy cần cảnh giác nhưng phải tránh “phá hủy cuộc sống bình thường và lan tỏa hoảng loạn”, “phát đi những tín hiệu hồi phục” cho nền kinh tế Italy đang cố thoát khỏi suy thoái.
Thị trưởng Milan Giuseppe Sala, một nhân vật khác trong đảng Dân chủ, mở chiến dịch vận động: “Milan không dừng lại”. Những thông điệp từ giới chính khách khiến người dân giảm cảnh giác.
Khi số ca nhiễm bắt đầu tăng nhanh ở miền Bắc Italy, đạt đến con số 1.577 ca nhiễm vào ngày 1/3, chính phủ của Thủ tướng Conte đã hối hả áp lệnh hạn chế đi lại và tiếp xúc xã hội ở khu vực. Ba ngày sau, trường học các cấp phổ thông và trường đại học trên toàn quốc phải đóng cửa. Dù vậy, những động thái này được đánh giá là chưa đủ nhanh và quyết liệt.
“Chiến lược chờ đợi luôn có lợi cho sự lây lan của virus”, Cartabellotta nhận định.
Vị chuyên gia cho rằng đáng lẽ Italy cần có những biện pháp cứng rắn hơn nữa, cụ thể là mở rộng quy mô hạn chế tiếp xúc xã hội trên toàn quốc hoặc phong tỏa mạnh tay cả một vùng như những gì Trung Quốc đã làm ở tỉnh Hồ Bắc. Roberto Burioni, chuyên gia virus học tại Đại học San Raffaele ở Milan, nhận định cuộc khủng hoảng virus corona không diễn ra theo kiểu “thiên thạch đâm thẳng từ trên trời xuống”.
“Nó giống hơn với kịch bản chúng ta ngồi trên một chiếc xe đang lao thẳng vào tường, chỉ cần đạp thắng là mọi người sẽ an toàn. Nhưng phải là toàn bộ 60 triệu người Italy cùng đạp thắng”, ông mô tả tầm quan trọng của biện pháp phong tỏa.
Ứng phó đồng bộ đã không diễn ra trong xã hội Italy. Với lệnh phong tỏa diễn ra nửa vời, người dân Italy vẫn vô tư ra đường. Cho đến trước ngày 10/3, những khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, sự kiện văn hóa tham gia tự do và các địa điểm vui chơi giải trí trên khắp đất nước vẫn đông người.
“Cứ như thể mọi người nghĩ họ đang ở trên con tàu Titanic, rồi quyết định dành thời gian để uống rượu và nhảy điệu waltz cuối trước khi con tàu đắm”, Rusconi chia sẻ.
Khi chính phủ đặt Lombardy rồi cả nước bước vào tình trạng phong tỏa không chính thức ngày 8/3, số ca nhiễm và sức ép lên hệ thống y tế Italy đã tăng theo cấp số nhân. Tỷ lệ tử vong ở Lombardy lên đến 8%, cao hơn nhiều con số 2-4% được ghi nhận ở tâm dịch Hồ Bắc. Ngày 15/3, số ca tử vong vì nhiễm virus corona ở Italy nhảy vọt lên 1.809 trường hợp, tăng 368 người chỉ trong một ngày. Con số này còn cao hơn cả ngày chết chóc nhất ở Hồ Bắc của Trung Quốc trong giai đoạn đỉnh dịch là 254 ca tử vong ghi nhận trong ngày 12/2.
“Trong tuần trước, hệ thống y tế cộng đồng Italy vẫn còn đủ năng lực chăm sóc cho toàn dân. Đất nước chúng tôi có chính sách chăm sóc y tế phổ thông, vì vậy bệnh nhân không bị bệnh viện từ chối. Nhưng chỉ qua vài ngày, hệ thống này đã sụp đổ vì một chủng virus mà tôi, cũng như nhiều người Italy khác, không nghĩ là nghiêm trọng”, Mattia Ferraresi, cây viết của Il Foglio, chia sẻ trên tờ Boston Globe ngày 13/2.
Theo nhà phân tích dữ liệu Silvia Merler, trưởng bộ phận nghiên cứu của Diễn đàn Chính sách và Nghiên cứu Đại số (APR Forum) và chuyên gia thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Paul H. Nitze thuộc Đại học Johns Hopkins, dịch bệnh ở Italy bùng phát sớm hơn Tây Ban Nha, Đức và Pháp khoảng 10 ngày, trước Anh và Mỹ 13-16 ngày. Mô hình lây nhiễm của Italy có khả năng tái diễn ở các nước trong thời gian tới.
Dường như các nước này đang rút ra được bài học xương máu từ Italy: Tránh để hệ thống y tế trở nên quá tải. Nhu cầu cấp thiết được đặt ra, như nhiều chuyên gia và giới chức y tế đã cảnh báo, là kéo phẳng đường cong phát triển của dịch bệnh, qua đó tránh để cho quá nhiều ca bệnh nặng xuất hiện cùng một lúc.
“Các nước khác vẫn còn cơ hội thực hiện những biện pháp dù có vẻ thái quá và không cân xứng với tình hình hiện nay, nhưng từ “tương lai” mà tôi đang sống, chúng hoàn toàn duy lý trí để tránh dẫn đến sụp đổ hệ thống chăm sóc y tế”, Ferraresi chia sẻ.
Đức trong ngày 15/3 đã tuyên bố những biện pháp cách ly mình với các nước bùng phát dịch một cách quyết liệt. Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel cho đóng cửa phần lớn biên giới trên bộ tiếp giáp với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Đan Mạch và Luxembourg. Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, đã ghi nhận hơn 4.500 ca nhiễm và 9 trường hợp tử vong vì Covid-19. Ba nước láng giềng của Đức gồm Đan Mạch, Cộng hòa Czech và Ba Lan cũng tiến hành cấm biên với khách du lịch.
Áo cấm mọi hoạt động tụ tập trên 5 người, biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội nghiêm ngặt nhất của nước này trong thời bình. Mọi nhà hàng, quán bar, khu vui chơi và thể thao đều dừng hoạt động trong vài tuần tới, theo sắc lệnh được Thủ tướng Sebastian Kurz công bố. Nước này đã phát hiện hơn 800 ca nhiễm và ít nhất 8 bệnh nhân tử vong vì Covid-19.
Giới chức các nước châu Âu không thể tiếp tục trông chờ vào sự tự giác của người dân chỉ với những khuyến cáo bằng lời. Với chính sách hạn chế đi lại ở Tây Ban Nha và Pháp, gần 100 triệu dân ở châu Âu đã được đặt dưới tình trạng phong tỏa, cả chính thức lẫn không chính thức.
Thủ tướng Edouard Philippe nhấn mạnh chính phủ Pháp không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động quyết liệt khi vẫn còn quá nhiều người dân Pháp chủ quan ra đường, không giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với nhau như khuyến cáo. Điều này chỉ khiến virus lây lan nhanh hơn.
“Đến nay, nhiều người Pháp dù nam hay nữ vẫn chưa đủ nhận thức về tầm quan trọng của cá nhân họ khi chúng ta đối mặt với virus. Đây là vấn đề cấp bách. Giờ là lúc chúng ta thay đổi cách hành xử. Chúng ta phải làm mọi thứ, không chần chừ, để giảm và chặn đứng đường cong phát triển của dịch bệnh này”, ông nhấn mạnh trên sóng truyền hình quốc gia.
“Tôi hiểu được chính phủ đang yêu cầu nỗ lực và hy sinh lớn đến mức nào, nhưng tôi cũng có niềm tin rằng nhân dân Pháp sẽ đủ khả năng thấu hiểu tính nghiêm trọng của thời khắc này”, ông khẳng định.