Theo South China Morning Post, tên lửa Trường Chinh 2C đã đưa 3 vệ tinh do thám của Trung Quốc mang tên Dao Cảm-30 vào quỹ đạo.
Vụ phóng diễn ra tại tỉnh Tứ Xuyên. Các vệ tinh này sẽ hoạt động cùng một tàu thăm dò cỡ lớn được phóng hồi tháng 5/2016. Mục đích của sứ mệnh này là "theo dõi các tín hiệu điện từ" và một số nhiệm vụ khác.
Các vệ tinh mới phóng đều có khả năng chặn tín hiệu vô tuyến từ Trái Đất và thu thập thông tin xung điện từ do các vụ nổ hạt nhân gây ra, phục vụ công tác tình báo.
Trung Quốc nuôi tham vọng phát triển hệ thống vệ tinh do thám nhưng vấn đề với tên lửa Trường Chinh khiến nước này gặp không ít khó khăn. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Chúng được phát triển bởi Viện nghiên cứu Vệ tinh cỡ nhỏ, trực thuộc Học viện Khoa học ở Thượng Hải. Đây là thế hệ đầu tiên của một loạt các vệ tinh tương tự đang được nghiên cứu, phục vụ cho mạng lưới giám sát toàn cầu của Bắc Kinh.
Với cảm biến tiên tiến, các vệ tinh kiểu này bay ở độ cao tương đối thấp, cho phép chúng chụp ảnh rõ nét và nhận biết những tín hiệu nhỏ nhất.
"Đây là thiết bị phục vụ quân sự, không phục vụ mục đích dân sự", nhà nghiên cứu Li Xiaoming tại Học viện Khoa học Bắc Kinh cho biết.
Trung Quốc nuôi tham vọng phát triển hệ thống vệ tinh do thám nhưng vấn đề với tên lửa Trường Chinh khiến nước này gặp không ít khó khăn. Hồi tháng 7, tên lửa hạng nặng Trường Chinh 5 bất ngờ rơi xuống biển sau khi động cơ phóng gặp trục trặc. Trước đó vài tuần, tên lửa Trường Chinh 3B cũng gặp vấn đề kỹ thuật và không thể cất cánh.
Tên lửa đẩy Trường Chinh-5 là loại phức tạp nhất trong các dòng tên lửa Trường Chinh với hơn 100.000 chi tiết hợp thành thay vì hàng chục nghìn chi tiết trong các tên lửa Trường Chinh khác. Các nhà khoa học đã phải tiến hành hơn 7.000 cuộc thử nghiệm trong suốt 10 năm phát triển tên lửa đẩy Trường Chinh.
Cho đến nay, các nhà khoa học Trung Quốc vẫn chưa xác định được nguyên nhân của sự cố hồi tháng 7.