Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc phát triển tên lửa không gian phóng từ máy bay

Trung Quốc sẽ phát triển loại tên lửa đẩy phóng từ máy bay vận tải Y-20 để đưa các vệ tinh quân sự và thương mại lên quỹ đạo thấp của Trái Đất.

China Daily dẫn lời ông Li Tongyu, người đứng đầu bộ phận tên lửa đẩy của Viện Hàn lâm Công nghệ Phương tiện phóng Trung Quốc, ngày 7/3 cho biết đơn vị này đã thiết kế loại tên lửa đẩy nhiên liệu rắn có thể mang theo tải trọng 100 kg lên quỹ đạo thấp của Trái Đất.

Loại tên lửa này sẽ được phóng vào không gian từ máy bay để đưa các vệ tinh quân sự, thương mại và khoa học lên quỹ đạo. Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu ưu tiên đẩy mạnh chương trình không gian của Trung Quốc. Ông Tập nói rằng điều đó là cần thiết để tăng cường an ninh, quốc phòng, mặc dù tiến độ của chương trình vẫn đứng sau Mỹ và Nga.

Ông Li cho biết thêm tên lửa đẩy sẽ được lắp trên máy bay vận tải quân sự hạng nặng Y-20 để đưa lên không trung và phóng ở một độ cao nhất định. Ngoài ra, đơn vị này đang lên kế hoạch phát triển một tên lửa lớn hơn có thể mang theo 200 kg tải trọng.

Long Lehao, thuộc Học viện Kỹ thuật Trung Quốc ước tính, loại tên lửa mới phóng từ máy bay Y-20 có thể đưa vệ tinh lên quỹ đạo cách Trái Đất 700 km.

chuong trinh khong gian Trung Quoc anh 1
Tên lửa đẩy Pegasus được thả từ máy bay Lockheed L-1011. Ảnh: NASA

“Máy bay vận tải sẽ giữ tên lửa trong thân và thả ở độ cao nhất định, động cơ tên lửa sẽ được kích hoạt sau khi rời khỏi máy bay”, ông Li nói. Trong tháng 2, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết nước này có kế hoạch khởi động tàu vũ trụ chở hàng đầu tiên vào tháng 4, một bước hướng tới mục tiêu thiết lập trạm không gian có người điều khiển vào năm 2022.

Mỹ từng cảnh báo về năng lực không gian ngày càng tăng của Trung Quốc. Washington nói rằng Bắc Kinh đang theo đuổi các hoạt động nhằm ngăn chặn các quốc gia khác sử dụng tài sản không gian trong một cuộc khủng hoảng nếu có.

Phóng tên lửa đẩy từ máy bay là giải pháp công nghệ nhằm đưa vệ tinh vào quỹ đạo thấp thay cho các bệ phóng cố định trên mặt đất. Phương pháp này có nhiều lợi thế so với phóng thẳng đứng từ mặt đất.

Ưu điểm chính của công nghệ này là tên lửa được thả từ máy bay đang bay ở độ cao lớn, nơi có mật độ không khí loãng. Do đó, tên lửa không cần phải sử dụng các động cơ công suất lớn để vượt qua bầu không khí dày đặc ở độ cao thấp.

chuong trinh khong gian Trung Quoc anh 2
Đồ họa công nghệ phóng tên lửa đẩy từ máy bay. Ảnh: Orbitalatk

 

Việc phóng tên lửa ở độ cao lớn góp phần làm giảm đáng kể lực kéo tác động lên thân tên lửa so với khi phóng từ bệ cố định trên mặt đất, giảm lượng nhiên liệu cần thiết qua đó tiết kiệm chi phí cho mỗi lần phóng.

Phóng tên lửa từ máy bay cũng ít bị phụ thuộc vào thời tiết do máy bay có thể di chuyển đến khu vực thuận lợi hơn để khởi động tên lửa. Thời gian chuẩn bị cho mỗi lần phóng nhanh hơn do không phải phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng trên mặt đất.

Tuy vậy, công nghệ này cũng có nhiều nhược điểm. Kích thước tên lửa bị giới hạn bởi tải trọng của máy bay nên không thể phóng các vệ tinh cỡ lớn. Tên lửa được phóng theo chiều ngang nên rất khó thiết lập quỹ đạo.

Chương trình tên lửa đẩy phóng từ trên không điển hình là Pegasus do công ty Orbital ATK, Mỹ phát triển vào những năm 1990. Tên lửa Pegasus được phóng từ máy bay Lockheed L-1011 có thể mang theo tải trọng 443 kg vào quỹ đạo thấp.

TQ phát triển vũ khí siêu thanh đối phó lá chắn tên lửa

Trung Quốc đang phát triển vũ khí có tốc độ hàng chục nghìn km/h để đối phó với lá chắn tên lửa mà Mỹ và Nhật Bản thiết lập ở Đông Á.

Trung Quốc bí mật thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh

Quân đội Trung Quốc đã phóng thử tên lửa chống vệ tinh DN-3 có khả năng bắn hạ các mục tiêu ở quỹ đạo địa tĩnh.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm