Những phát hiện khảo cổ mới được tìm thấy tại địa điểm xây dựng sân bay và đường tàu điện ngầm ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, South China Morning Post ngày 19/2 đưa tin.
Theo Cục Di sản tỉnh Thiểm Tây, hơn 4.600 phát hiện khảo cổ, trong đó có 3.500 ngôi mộ, đã được tìm thấy kể từ khi dự án mở rộng sân bay quốc tế Hàm Dương ở Tây An khởi công.
Công tác khai quật tại khu vưc sân bay quốc tế Hàm Dương ở Tây An. Ảnh: SCMP. |
Trong khi đó, hơn 1.300 ngôi mộ và 4 lò nung cổ đại được phát hiện kể từ khi dự án xây dựng đường tàu điện ngầm bắt đầu. Các phát hiện khảo cổ có niên đại từ thời nhà Tùy và nhà Đường, khoảng năm 581-907.
Nhà chức trách cho biết các di tích khảo cổ được phát hiện có số lượng và quy mô "khổng lồ". Hơn 1.000 nhà khảo cổ học và nhân lực hỗ trợ đã phải làm việc xuyên Tết Âm lịch để đưa các phát hiện khảo cổ học lên mặt đất, bảo đảm tiến độ thi công hai dự án.
Tây An từng là kinh đô của 13 triều đại ở Trung Quốc, với thời gian tổng cộng hơn 1.100 năm. Đã có nhiều di chỉ khảo cổ quan trọng được phát hiện trong quá trình xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở thành phố này.
"Ở Tây An, thăm dò khảo cổ được tiến hành trước khi khởi công dự án xây dựng, hoặc trước khi chính phủ bán một lô đất", Wang Zili, phó giám đốc Cơ quan Bảo tồn di sản văn hóa Tây An, cho biết.
Đội quân đất nung được tìm thấy ở một di chỉ khảo cổ. Ảnh: SCMP. |
Vào thập niên 1970, các nhà khảo cổ đã phát hiện đội quân đất nung có kích thước bằng người thật bên trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng ở Tây An.
Năm 2001, ngôi mộ của một công chúa thời nhà Đường được phát hiện tại khuôn viên của Đại học Công nghệ Tây An.
Một năm sau đó, các nhà khảo cổ tiếp tục tìm thấy ngôi mộ của Trương Đường, người từng là thượng thư Bộ Hình dưới thời nhà Hán, trong quá trình xây dựng Đại học Tây Bắc.