Phóng viên của hãng tin CNN (Mỹ) vừa thực hiện chuyến thị sát trường đào tạo bóng đá của Guangzhou Evergrande, nơi được tin rằng là học viện lớn nhất thế giới và trị giá tới 185 triệu USD. Tại đây hiện ươm mầm những "viên ngọc thô" và mong chờ lứa cầu thủ đang ngày đêm tập luyện sớm tỏa sáng.
Học viện bóng đá của Guangzhou Evergrande rất hiện đại. |
Hiện ra trước mắt phóng viên vào buổi bình minh là khung cảnh như chuyện cổ tích. Một lâu đài tráng lệ giống với ngôi trường Hogwarts trong tác phẩm "Cậu bé phù thủy Harry Porter" mọc lên sừng sững trên khu đất riêng biệt được bao phủ bởi những hàng cây xanh mát, theo đó, tạo ra không khí rất thoải mái.
Trước sân, một ai đó vẽ hình trái bóng ở trung tâm. Tất cả đều có lý do riêng cả. Bóng đá sẽ gắn liền với những ai bước vào ngôi trường và đi theo các cầu thủ tới lúc ra về. Khung cảnh thiết kế lò đào tạo Guangzhou Evergrande như nói thay cho tình yêu bóng đá mãnh liệt mà Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc muốn hướng tới.
Đằng sau những bản hợp đồng bom tấn
Câu chuyện về các bản hợp đồng bom tấn được nhiều đội bóng Trung Quốc thực hiện không còn xa lạ với người hâm mộ. Sự xuất hiện của Alex Teixeira, Ramires và Jackson Martinez giúp giải vô địch quốc gia Trung Quốc trở thành thỏi nam châm thu hút truyền thông thế giới. Tin tức về họ tràn ngập khắp mặt báo châu Âu mỗi tuần.
Thế nhưng đó chỉ là bề nổi của một chiến lược hoành tráng hơn. Bên cạnh đầu tư chất lượng đội hình bằng những ngôi sao lớn, nhiều CLB Trung Quốc còn bạo chi đầu tư hệ thống đào tạo trẻ, theo đó, bắt nguồn từ việc xây dựng lại các lò đào tạo. Họ cải tạo phần lớn các thảm cỏ được dùng để tập luyện và chi phí thực hiện không phải con số nhỏ.
Tuy nhiên, các ông chủ đội bóng không tiếc tiền vì điều đó. Nhiều chuyên gia nói rằng, tất cả là để mua sự tập trung và ưu ái từ Chủ tịch Tập Cận Bình. "Với các tỷ phú Trung Quốc, hàng trăm triệu USD không thấm vào đâu," chuyên gia bóng đá Trung Quốc, Rowan Simons nói.
Xây dựng giấc mơ từ ngôi trường 185 triệu USD
Chỉ trong 10 tháng, Guangzhou Evergrande đã tạo ra trường dạy bóng đá hoành tráng với chi phí 185 triệu USD. Công ty bất động sản Evergrande, tài trợ cho CLB, biến một khu đất nông thôn nằm ở miền nam của Trung Quốc thành lò đào tạo lớn nhất hành tinh.
Một khu vực đá bóng dành cho cầu thủ nhí ở học viện trị giá 185 triệu USD. |
Nếu mọi thứ đi vào kế hoạch theo đúng dự kiến, nơi đây sẽ ươm mầm hàng trăm cầu thủ nhí tập luyện, theo đó, trở thành nguồn cung cấp nhân lực cho Guangzhou Evergrande.
Sau khi đi vào hoạt động, nhiều phụ huynh đã gửi con em tới lò Guangzhou Evergrande với giấc mơ được nhìn thấy những ngôi sao trong tương lai. Tín hiệu tích cực sớm đến khi nhiều gương mặt thể hiện tố chất tiềm năng. Quan trọng, tất cả đều có khát khao thi đấu cho Barcelona hay Real Madrid và trở thành trụ cột tuyển Trung Quốc.
Dù vậy, viên gạch để vươn tới giấc mơ không hề rẻ. Để có một chỗ trong học viện, các bậc phụ huynh phải thuộc tầng lớp trung lưu trở lên. Chi phí cho một năm theo học tại lò đào tạo Guangzhou Evergrande tầm 9.200 USD/năm, cao hơn thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc.
Thế nhưng nếu có tài năng xuất chúng, một cầu thủ nhí sẽ nhận được học bổng và tài trợ để tiếp tục theo đuổi giấc mơ thành ngôi sao.
Nguồn cảm hứng Tây Ban Nha và bài học văn hóa
Để nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá, lò đào tạo Guangzhou Evergrande quyết định thuê 12 huấn luyện viên Tây Ban Nha tới Trung Quốc làm việc. Các HLV này được gửi sang châu Á theo thỏa thuận hợp tác giữa Guangzhou Evergrande và Real Madrid. Bằng việc kết giao quan hệ này, song phương đều có lợi khi La Liga sẽ xâm nhập vào thị trường Trung Quốc, đổi lại, các cầu thủ được dịp học hỏi kinh nghiệm từ gã khổng lồ châu Âu.
Ronaldo từng sang Trung Quốc giao lưu với các cầu thủ trẻ theo hợp tác thỏa thuận giữa Real Madrid và Trung Quốc. |
Theo HLV Sergio Zarco đang huấn luyện cho những học viên của lò Guangzhou Evergrande, trình độ các cầu thủ Trung Quốc bắt đầu cho thấy sự tiến bộ theo thời gian, tuy nhiên, vẫn còn chặng đường dài để hoàn thiện.
Bên cạnh rèn luyện yếu tố chuyên môn, học viên còn được nâng cao văn hóa. "Chúng tôi dạy cho lũ trẻ làm sao để trưởng thành và cách cư xử. Tiếp theo, cầu thủ được học ngoại ngữ. Kế đó, các HLV mới huấn luyện chúng trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và làm cách nào để vươn tầm ngôi sao," cô Zhang Liya dạy tiếng Anh tại đây cho biết.
Dùng bóng đá thay đổi tư duy
Người Trung Quốc không chú trọng nhiều đến thể thao trong quá khứ. Trước đây, các bậc phụ huynh luôn định hướng con trẻ theo ngành nghề y khoa hoặc luật. Nếu muốn trở thành vận động viên, những môn đặc thù cá nhân như bơi lội hoặc thể dục dụng cụ mới được ưu tiên. Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình lại muốn thay đổi điều đó.
Người Trung Quốc muốn bóng đá trở thành môn thể thao được ưu tiên hàng đầu tại nước họ. |
Bóng đá phải được đầu tư và làm thay đổi tư duy người dân. Điều này giải thích tại sao các lò đào tạo tại Trung Quốc liên tục mở rộng và phát triển.
Những khu tổ hợp cũng ra đời nhiều hơn khi sân bóng đá thường được xây dựng kết hợp với bóng rổ, quần vợt, bóng chuyền, bơi lội... Ngoài ra, học viện bóng đá còn xuất hiện khu vực giải trí với rạp chiếu phim, phòng tập thể hình, thư viện và căn-tin với dàn đầu bếp chuyên nghiệp sẵn sàng phục vụ nhu cầu học viên.
Từ những gì diễn ra, Trung Quốc rõ ràng đang có kế hoạch cụ thể và chiến lược dài hạn để hiện thực hóa giấc mơ World Cup.