Hai thập niên trước, bóng đá giống như cuộc sống khi bị chi phối bởi chủ nghĩa tư bản theo cơ chế thị trường tự do. Ở đó, các CLB hoạt động theo hình thức "cá lớn nuốt cá bé". Những đội bóng mạnh sở hữu tiềm lực tài chính dồi dào sẽ thống trị cúp châu Âu, và dĩ nhiên sở hữu những tên tuổi lớn.
Song, thế giới thay đổi theo thời gian và nền kinh tế các nước cũng vậy. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của phương Đông kéo theo những thế lực mới ra đời. Ngày trước, chỉ có các CLB tên tuổi của châu Âu mới kham được mức lương và các chế độ đãi ngộ cho cầu thủ lớn. Thế nhưng gió đổi chiều những năm gần đây.
Trong kỳ chuyển nhượng mùa đông, nhiều"thiếu gia" Trung Quốc tung hoành phiên chợ mua sắm cầu thủ. Có ai nghĩ một Jiangsu Suning vô danh lại qua mặt Liverpool để giành chữ ký Alex Teixeira? Nơi xứ người, cầu thủ mang quốc tịch Brazil cũng không sợ cô đơn vì đang xuất hiện cộng đồng Mỹ Latinh ở đó với tiền vệ Ramires và chân sút Jo cùng nhiều cái tên khác đã chuyển hộ khẩu sang Trung Quốc.
Jackson Martinez liên tục được nhắc tới gần đây sau khi chuyển sang Trung Quốc thi đấu. |
Jiangsu Suning không phải cái tên duy nhất xài tiền bạo tay. Guangzhou Evergrande, từng 5 lần vô địch giải quốc nội liên tiếp, còn dám bỏ ra 42 triệu euro để mua tiền đạo Jackson Martinez từ Atletico. Trước đó, đội bóng này thuyết phục thành công Luis Felipe Scolari, nhà vô địch World Cup 2002, ngồi ghế chỉ đạo CLB.
Rồi đây, Guangzhou Evergrande khi chạm trán Jiangsu Suning sẽ như cuộc giải quyết nội bộ giữa những người Nam Mỹ. Trên ghế HLV, Luis Felipe Scolari cũng gặp lại cố nhân Sven-Göran Eriksson, người từng trở thành bại tướng của ông ba lần liên tiếp ở các đấu trường cấp đội tuyển.
Tham vọng phát triển và nâng tầm giải đấu của người Trung Quốc rõ như ban ngày. Ngay từ bước khởi đầu, các CLB sớm PR cho bản thân, đồng thời buộc truyền thông thế giới phải để mắt đến bằng rất nhiều tiền. Nhưng liệu những động thái đó thật sự nằm trong mục tiêu xây dựng và khoác lên mình diện mạo mới của làng bóng đá Trung Quốc, hay sự hào nhoáng bên ngoài như trường hợp của Anzhi Makhachkala 5 năm trước?
Samuel Eto'o cũng có thời gian ngắn thi đấu ở Nga. Anh được nhận mức lương hơn 20 triệu euro/năm. |
Ngày đó, đội bóng thi đấu tại giải Vô địch Quốc gia Nga được tỷ phú Suleyman Kerimov mua lại. Lập tức, Anzhi thực hiện những vụ chuyển nhượng đình đám. Với 150 triệu euro, Anzhi ký 8 hợp đồng lớn. Nổi tiếng nhất có bản hợp đồng chiêu mộ Willian (đến từ Shakhtar Donetsk với giá 35 triệu euro), Samuel Eto’o (đến từ Inter với giá 28 triệu euro) và Yuri Zhirkov (đến từ Chelsea với giá 16 triệu euro). Họ thậm chí mời cả HLV Guus Hiddink chỉ đạo đội bóng.
Thế nhưng làm bóng đá lại không hề đơn giản. Khi Anzhi thất bại trong việc cạnh tranh cho những danh hiệu, ngài tỷ phú bắt đầu ngán ngẩm và bỏ bê công tác chăm lo cho đội. Kết quả Anzhi xuống hạng ở mùa giải 2013-14 và mới thăng hạng trở lại mùa này, song, lại thi đấu rất bết bát.
Những Eto'o, Willian, Yuri Zhirkov hay Diego Tardelli lần lượt ra đi. Từ năm 2012 tới nay, ghế HLV của Anzhi đổi chủ 4 lần và lại thêm một kịch bản sụp đổ nữa đang đe dọa đội bóng này.
HLV Guus Hiddink và tiền vệ Willian cũng từng tới Nga làm việc. |
Từ bài học của Anzhi, không ít ý kiến từ giới chuyên gia tỏ ra lo ngại bóng đá Trung Quốc rồi sẽ đi theo vết xe đổ. Hơn hết, những giá trị ngắn hạn có thể đem đến thành công rất nhanh. Tuy nhiên, đó không phải chân lý.
Chính phủ Trung Quốc muốn xây dựng nền bóng đá nước nhà, theo đó, cách làm tốt nhất là quản lý thoáng hơn với các CLB và tạo mọi điều kiện để họ thao túng thị trường chuyển nhượng. Tuy nhiên, sẽ có bao nhiêu đội duy trì được sự bền vững? Câu trả lời còn nằm ở thì tương lai và không ai biết được kịch bản nào xảy ra cả.