Sau vòng đấu khai mạc giải Vô địch Quốc gia Trung Quốc diễn ra cuối tuần qua, một thống kê bất thường xuất hiện. Theo đó, trong tổng số16 bàn thắng xuất hiện thì đó toàn những pha lập công mang dấu ấn các ngoại binh. Điều này mang đến sự hài lòng cho các đội bóng vì giá trị đồng tiền sớm lên tiếng.
Việc tăng cường nhập khẩu cầu thủ nước ngoài giúp C.League khoác diện mạo mới. Chất lượng cũng được nâng tầm. Các khán đài đầy ắp khán giả. Năm trong tổng số sáu trận đấu của vòng 1 có lượng khán giả tới sân trung bình trên 20.000 người và chỉ có cặp đấu giữa Hangzhou, nơi danh thủ Tim Cahill đầu quân, gặp Changchun Yatai ế vé nhất khi chứng kiến 11.273 khán giả có mặt trong sân vận động Yellow Dragon Sports Center với sức chứa 52.672 chỗ ngồi.
Jackson Martinez ghi bàn ngay trong trận đầu tiên mùa giải mới ở Trung Quốc. |
Dựa trên kinh tế học, sự đầu tư mạnh mẽ của các CLB Trung Quốc bước đầu cho thấy sự khả quan. Tuy nhiên, chuyên gia bóng đá châu Á John Duerden lại nhận định con số 16 bàn thắng đều do các cầu thủ nước ngoài ghi được sẽ tạo ra tác động xấu đến sự phát triển của cầu thủ nội.
Căn bệnh sính ngoại
Nhìn vào 14 đội bóng Trung Quốc thi đấu ngày khai mạc mùa giải mới vừa qua, chỉ có duy nhất Shandong Luneng dùng tiền đạo nội, còn các đội còn lại đều đưa vào sân ngoại binh.
Việc dàn sao ngoại át vía nội binh theo thời gian chỉ khiến bóng đá Trung Quốc đi xuống. "Từ khía cạnh phát triển bóng đá Trung Quốc, những gì diễn ra là tín hiệu xấu," tờ Guangzhou Daily News viết.
Trong khi đó, tiền đạo Dejan Damjanovic cũng có chung quan điểm. Năm ngoái, chân sút người Montenegro đứng thứ ba trong danh sách những cầu thủ ghi bàn hàng đầu tại giải VĐQG Trung Quốc và đó cũng là năm chỉ có hai cầu thủ nội vào tốp 15 người ghi bàn hàng đầu.
Ngoại binh lấn át nội binh ở các CLB Trung Quốc. |
Theo Damjanovic, kép chính trên các sân vận động ở Trung Quốc giờ toàn thuộc về những ngôi sao đến từ châu Âu, châu Mỹ đảm nhiệm, còn vai trò lứa cầu thủ nội nhạt dần. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới đội tuyển quốc gia Trung Quốc vì họ phải đánh bại Qatar vào ngày 29/3 tới mới hy vọng đi tiếp vào vòng đấu cuối cùng của vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á. Trong lịch sử, Trung Quốc mới một lần giành vé dự World Cup vào năm 2002, nhưng toàn thua cả ba trận vòng bảng và không ghi được bàn nào.
Từ những gì diễn ra, Damjanovic tin các CLB cần cải thiện, theo đó, cho phép các tiền đạo nội thi đấu nhiều hơn. Bóng đá Trung Quốc không thiếu nhân tài, tuy nhiên, xu hướng chuộng ngoại binh vô tình khiến nội binh không có cơ hội phát triển. Thống kê cho thấy những tiền đạo chủ lực của 14 đội bóng tại giải VĐQG Trung Quốc toàn người nước ngoài, trong khi cầu thủ nội chỉ đá tiền vệ cánh, tiền vệ trung tâm hoặc hậu vệ.
Chia sẻ về vấn đề này, tiền vệ người Australia Erik Paartalu, từng đá một mùa cho Tianjin Teda vào năm 2013, cho biết bóng đá Trung Quốc cần có hướng giải quyết thích hợp nếu muốn tiếp tục đi lên.
"Họ (các CLB) chỉ muốn sở hữu những tên tuổi lớn để thu hút đám đông tới sân và đánh bóng danh tiếng của những ông chủ," Paartalu nói. "Không có nhiều cầu thủ Trung Quốc thi đấu ở nước ngoài và nếu tình trạng ngoại binh lấn át nội binh, bóng đá Trung Quốc sẽ đi xuống".
Chỉ có bóng đá Trung Quốc là cuồng ngoại binh
Tình trạng các CLB phụ thuộc vào những tiền đạo ngoại dường như trở thành căn bệnh nan y của bóng đá châu Á. Ngay cả Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia rất mạnh và đi đầu về bóng đá trong khu vực, cũng gặp nhiều khó khăn trong việc sản sinh ra các tiền đạo hàng đầu thế giới.
Việc chiêu mộ các bản hợp đồng bom tấn không giúp bóng đá Trung Quốc phát triển. |
Thế nhưng chỉ có ở Trung Quốc mọi chuyện mới diễn ra theo hướng như vậy. Kết thúc mùa giải 2015, J.League có 7 gương mặt nội trong tốp 10 tay săn bàn hàng đầu. Trong khi đó, phân nửa cầu thủ Hàn Quốc có tên trong tốp 10 cầu thủ ghi nhiều bàn nhất giải K.League.
Lúc này, Trung Quốc nên học theo công thức làm bóng đá của Nhật Bản và Hàn Quốc, tức giới hạn số lượng ngoại binh trong thành phần thi đấu. Với giải J.League và K.League, chỉ có ba cầu thủ nước ngoài được phép thi đấu, còn con số này tại giải VĐQG Trung Quốc là 4 người.
Với các CLB Hàn Quốc và Nhật Bản, họ không thể đua tranh với các "thiếu gia" Trung Quốc về tiềm lực tài chính và mua sắm cầu thủ, vì vậy, buộc phải trông cậy vào nội binh. Điều đó thế lại hay vì cơ hội ra sân cho cầu thủ bản địa được tăng lên.