Các địa phương Trung Quốc, xa xôi như tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam hay tỉnh Cam Túc ở phía tây bắc, đều có nguy cơ thiên tai cao trong những ngày tới cùng đợt mưa lớn mới, cơ quan thời tiết nước này cho biết hôm 23/7, theo Reuters.
Nhiều vùng ở bờ biển phía đông, bao gồm khu vực vịnh Bột Hải, các tỉnh Sơn Đông và Giang Tô cũng phải đối mặt với gió lớn, Cục Khí tượng Quốc gia Trung Quốc nói.
Sạt lở đất ở Hồ Bắc, Trung Quốc, hôm 21/7. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Các thành phố cảng Thanh Đảo và Nhật Chiếu thuộc tỉnh Sơn Đông là những nơi mới nhất ghi nhận kỷ lục lượng mưa hàng ngày hôm 22/7, trong khi các tỉnh Giang Tây và An Huy nơi sông Trường Giang chảy qua đã ban hành cảnh báo đỏ mới đầu ngày 23/7.
Bộ Thủy lợi cho biết mực nước tại 93 con sông vẫn ở trên mức cảnh báo, và hồ chứa Tam Hiệp, hồ nhân tạo lớn nhất Trung Quốc, sẽ cần phải được theo dõi chặt chẽ khi nước lũ dâng cao.
"Tình hình kiểm soát lũ hiện tại vẫn còn nghiêm trọng và không thể buông lỏng dưới bất kỳ hình thức nào", cơ quan thời tiết nói. Các địa phương trên khắp Trung Quốc đã ra lệnh sơ tán khẩn cấp do sạt lở đất, vỡ bờ sông và lũ lụt trên núi.
Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng cách tiếp cận khoa học để kiểm soát lũ lụt và đã sử dụng các hệ thống cảnh báo sớm cũng như các đập và hồ chứa của họ để cố gắng giảm thiểu thiệt hại.
Tân Hoa Xã hôm 22/7 cho biết hơn 45 triệu người đã bị ảnh hưởng kể từ khi mùa mưa lũ bắt đầu vào tháng 6, với 142 người chết hoặc mất tích, nhưng con số này thấp hơn bình thường. Thiệt hại kinh tế trực tiếp, chỉ hơn 160 tỷ nhân dân tệ (22,9 tỷ USD), cũng thấp hơn mức trung bình 5 năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lượng mưa lớn nhất trong nhiều thập kỷ đã cho thấy quốc gia này phụ thuộc quá nhiều vào các công trình kỹ thuật khổng lồ như đập Tam Hiệp, để điều tiết và sử dụng nguồn nước.