Trung Quốc thực hiện bồi lấp phi pháp trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Trong buổi họp báo ở Bắc Kinh hôm 17/11, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngang nhiên nói rằng "Trung Quốc là nạn nhân" bởi hàng chục hòn đảo và rạn san hô "của nước này" ở quần đảo Trường Sa bị chiếm đóng bất hợp pháp bởi các nước láng giềng.
Ông này không nêu tên các quốc gia nhưng nói rằng tất cả bên tranh chấp, trừ Brunei, đều có các công trình quân sự tại quần đảo Trường Sa.
“Chính phủ Trung quốc có quyền và có khả năng lấy lại đảo và bãi đá ngầm bị các nước láng giềng chiếm đóng bất hợp pháp. Nhưng chúng tôi đã không làm điều đó. Bắc Kinh đã rất kiềm chế với mục đích duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, Reuters dẫn lời ông Lưu nói.
Tuyên bố của ông Lưu được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở thủ đô Manila của Philippines trong hai ngày 18-19/11 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ngày 22/11 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ông Lưu nói thêm rằng, Trung Quốc không muốn Biển Đông trở thành trọng tâm tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS).
Đường băng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông
Bắc Kinh còn tuyên bố rằng nước này xây dựng các công trình ở quần đảo Trường Sa không nhằm mục đích quân sự và nhiều nước đã quá quan tâm vào độ dài đường băng của Trung Quốc trên các bãi đá ở Trường Sa.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng đường băng dài 3.000 m trên Đá Chữ Thập. Các chuyên gia cho rằng, sân bay này có thể là nơi cất và hạ cánh của hầu hết máy bay quân sự của Trung Quốc.
“Thực tế, đường băng dài sẽ mang lại lợi ích dân sự nhiều hơn. Trong vụ máy bay MH370 của hàng không Malaysia Airlines mất tích trên biển, việc không có đường băng dài khiến khả năng tìm kiếm trên Biển Đông bị hạn chế”, ông Lưu lý lẽ.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới Manila để tham dự APEC và sau đó sẽ bay tới Kuala Lumpur dự EAS. Theo bản dự thảo tuyên bố chung của EAS, căng thẳng trên Biển Đông dự kiến sẽ trở thành vấn đề nổi bật trong hội nghị ở Kuala Lumpur. Các nhà phân tích dự đoán, nội dung của hội nghị sẽ gây áp lực với Trung Quốc về hoạt động bồi lấp phi pháp trên Biển Đông.
Căng thẳng ở Biển Đông gia tăng trong thời gian qua bởi những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh bồi lấp các bãi đá với tốc độ lớn, tạo ra 7 đảo nhỏ trong khu vực. Với nhiều đảo nhỏ, bãi đá và bãi cát, Biển Đông là điểm nóng về tranh chấp lãnh thổ giữa nhiều quốc gia.
Bắc Kinh vạch yêu sách “đường 9 đoạn” đòi chiếm hơn 80% diện tích trên Biển Đông, bao gồm những vùng biển mà các nước láng giềng tuyên bố chủ quyền. Đầu tháng này, Hội nghị Quốc phòng các nước ASEAN và các nước đối tác Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc không ra được tuyên bố chung do bất đồng quan điểm về Biển Đông.