Máy bay tuần tra, săn ngầm P3-C Orion của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo |
Reuters cho biết, các điều khoản trong thỏa thuận về công nghệ quân sự sẽ được công bố sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật với Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Sự kiện này dự kiến diễn ra ngày 18/11 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Manila.
Nhật Bản và Philippines sẽ thảo luận về cách thức và mô hình viện trợ quân sự của phía Tokyo. Các thiết bị nằm trong phạm vi viện trợ, có thể bao gồm máy bay tuần tra, giúp Hải quân Philippines tăng cường giám sát các khu vực trên Biển Đông.
Theo Reuters, ban đầu, Nhật có thể cung cấp cho Philippines mẫu máy bay Beechcraft TC-90 King Air, loại phi cơ đang được sử dụng để huấn luyện phi công cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Nó được trang bị các loại radar cơ bản, có khả năng giám sát các mục tiêu trên mặt đất, trên không và trên biển. Sau đó, những chiếc máy bay tuần tra, săn ngầm P3-C của Lockheed Martin có thể được cung cấp cho Manila.
Nếu thỏa thuận Tokyo – Manila được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản viện trợ trực tiếp thiết bị quân sự cho nước khác. Nó cũng là ví dụ điển hình nhất cho sự cứng rắn trong vấn đề an ninh của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe.
Philippines là quốc gia Đông Nam Á phản đối kịch liệt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhật Bản không có tranh chấp chủ quyền trong khu vực này nhưng Tokyo lo ngại sự gia tăng các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong vùng biển huyết mạch này cản trở việc đi lại của các tàu Nhật Bản.
Hiện tại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo họ chưa có thông tin gì về thỏa thuận. Phía Bộ Ngoại giao Philippines cũng từ chối bình luận về vụ việc. Các quan chức quân sự Philippines không đưa ra tuyên bố nào về thỏa thuận sắp tới.
Những thông tin về khoản viện trợ quân sự giữa Nhật Bản và Philippines diễn ra không lâu sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani. Theo tờ Nikkei, Nhật Bản muốn đàm phán với Việt Nam về việc cho tàu chiến cập cảng Cam Ranh để tiếp nhiên liệu hoặc lương thực trong các nhiệm vụ xa lãnh thổ Nhật Bản.
Tokyo đang tỏ rõ sự quan tâm ngày càng lớn tới khu vực Biển Đông. Các hành động cụ thể cũng đang được Nhật Bản triển khai, bao gồm viện trợ trực tiếp các thiết bị quân sự, thay đổi các quy định tài chính yêu cầu bán vũ khí với giá thị trường hay sửa đổi cơ chế tài chính để viện trợ phát triển nước ngoài, vốn không được sử dụng cho mục đích quân sự.