Mạng Tin tức Trung Quốc ngày 30/6 dẫn lời ông Tiền Truyền Hải, Chủ nhiệm Trung tâm Dự báo Khí tượng Hải dương và Bão, thuộc Cục Khí tượng Trung Quốc, cho biết mục đích việc mở rộng phạm vi là đáp ứng tốt hơn nhu cầu dịch vụ dự báo, giám sát thiên tai khí tượng hải dương trong việc "bảo vệ quyền lợi biển và an ninh lãnh hải và khai thác tài nguyên hải dương Nam Hải (Biển Đông)".
Tàu Trung Quốc tấn công và phun vòi rồng về phía tàu Kiểm ngư 951 của Việt Nam. |
Tiền Truyền Hải ngang nhiên nói sự điều chỉnh diễn ra sau khi Trung tâm Dự báo Khí tượng Hải dương và Bão xem xét yếu tố "Nam Hải là khu vực đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc, cũng là khu vực vận tải hàng hải cực kỳ nhộn nhịp, hoạt động tác nghiệp và thăm dò dầu mỏ trên biển, hoạt động tuần tra bảo vệ chủ quyền của ngành hải sự và hoạt động của hải quân ngày càng gia tăng, do đó cần phải tăng cường phòng ngừa thiên tai ở vùng biển của Trung Quốc".
Không chỉ vậy, ông Tiền còn tuyên bố rằng việc mở rộng phạm vi khu vực cảnh báo bão vừa đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, tổ chức, vừa để bảo vệ cái gọi là chủ quyền biển của Trung Quốc.
Trước đó, khu vực cảnh báo bão 24 giờ của Trung Quốc chỉ bao trùm khu vực phía Bắc Biển Đông.
Mới đây, tờ Economic Observer trích dẫn các nguồn tin từ Văn phòng đăng ký bất động sản trực thuộc Bộ đất đai và tài nguyên Trung Quốc cho hay tất cả các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đòi chủ quyền sẽ được đưa vào hệ thống quản lý quyền sở hữu đất đai mới. Các bất động sản thuộc sở hữu của các doanh nghiệp và tư nhân sống trên các vùng biển và quần đảo thuộc của Trung Quốc sẽ được pháp luật bảo vệ.
Đặc biệt, các quy định đăng ký đất đai mới nói rằng khái niệm "bất động sản" bao gồm "đất đai, biển, nhà cửa và các công trình tòa nhà, công trình khác, rừng, cây và các đối tượng cố định khác".
Quy định mới cũng quy định mọi công dân muốn đăng ký quyền sở hữu bất động sản trên biển lần đầu tiên sẽ phải trình bản đồ biên giới trên biển và các giấy tờ chấp thuận dự án, cũng như các hợp đồng, giấy phép và các tài liệu liên quan.
Tờ Economic Observer cũng cho biết cái gọi là "thành phố Tam Sa", do tỉnh Hải Nam ở cực nam Trung Quốc lập ra hồi năm 2012, sẽ được đưa vào hệ thống quản lý mới. Tam Sa hiện quản lý vài nhóm đảo và các bãi san hô ngầm ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa).
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Hồi tháng 5 vừa qua, Trung Quốc ngang nhiên đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981và đưa nhiều tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Vừa qua Philippines cũng cáo buộc Trung Quốc cải tạo đất tại các bãi đá nhỏ tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) để xây đảo nhân tạo, mở các đường băng và các căn cứ quân sự khác. Họ làm vậy nhằm "hợp pháp hóa" cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc tự nhận đối với toàn bộ khu vực Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế cũng như ngang nhiên vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.