Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quân đội Nhật sẽ tham chiến nếu đồng minh lâm nguy

Hôm nay các đảng trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản thông qua quyền phòng vệ tập thể, cho phép quân đội thực thi quyền tự vệ và hỗ trợ đồng minh khi chiến sự nổ ra.

Theo hãng tin Kyodo, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thông qua các thay đổi trong ngày 1/7 bất chấp sự chỉ trích từ dư luận và ngay cả trong liên minh cầm quyền. 

Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thông qua sự diễn giải lại hiến pháp, cho phép quân đội nước này tham gia phòng thủ tập thể, hỗ trợ đồng minh. Ảnh:
Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe thông qua việc sửa đổi Hiến pháp để cho phép quân đội tham gia phòng thủ tập thể, hỗ trợ đồng minh. Ảnh: Japandaily Press

Dư luận Nhật Bản cho rằng, Điều 9 về phản đối chiến tranh trong Hiến pháp sẽ mất tác dụng nếu nội các thông qua việc sửa đổi.

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đối tác của họ trong liên minh đạt thỏa thuận trong cuộc gặp vào buổi sáng 1/7, chỉ một tháng sau khi đàm phán về cách thức loại bỏ những rào cản pháp lý mà bản Hiến pháp Hòa bình áp đặt đối với Lực lượng phòng vệ.

Bản dự thảo do chính phủ chuẩn bị sẽ mở rộng đáng kể các lựa chọn quân sự của Nhật Bản, chấm dứt lệnh cấm thực thi quyền phòng vệ tập thể và cho phép quân đội trợ giúp những nước đồng minh trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công. Dự thảo cũng bao gồm việc nới lỏng  các giới hạn về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc do Mỹ dẫn đầu và các sự cố xảy ra ở “vùng xám”.

Thủ tướng Abe đã thúc đẩy động thái này kể từ khi lên nắm quyền 18 tháng trước, bất chấp sự lo ngại của các cử tri về việc quân đội sẽ sa vào các cuộc chiến tranh bên ngoài.

Hôm 22/6, khảo sát của Kyodo News cho thấy 55,4% người dân phản đối Nhật Bản tham gia vào phòng vệ tập thể, 57,7% phản đối việc Thủ tướng Abe muốn sửa đổi Hiến pháp trong khi chỉ 29,6% người dân thể hiện sự ủng hộ.

Một nhóm gồm hàng ngàn người biểu tình gồm nhiều tầng lớp, từ sinh viên tới hưu trí, đã tuần hành trước văn phòng của Thủ tướng Abe hôm 30/6. Họ la hét và mang theo biểu ngữ “Tôi không muốn nhìn thấy trẻ em và các binh sĩ của chúng ta phải chết” hay “Bảo vệ hiến pháp” .

Trước đó, hôm 29/6, một người đàn ông tự thiêu ở gần ngã tư đông đúc tại thủ đô Tokyo nhằm phản đối đề xuất thay đổi Điều 9 của ông Abe.

Tự thiêu giữa thủ đô Tokyo để phản đối chính phủ

Một người đàn ông đã tự châm lửa đốt mình ở trung tâm Tokyo nhằm phản đối kế hoạch sửa đổi hiến pháp, cho phép quân đội Nhật Bản tham gia các hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ.

Từ năm 1945, quân đội Nhật Bản đã không tham gia chiến đấu. Dù có lực lượng quân đội thường trực nhưng về mặt pháp lý, chức năng của lực lượng vũ trang Nhật Bản hạn chế hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Theo đánh giá của South China Morning Post, sự thay đổi nội dung Hiến pháp của Nhật Bản có thể sẽ "chọc tức" Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng quyết đoán trong vấn đề tranh chấp chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông. Dù vậy, Mỹ và một số quốc gia Đông Nam Á ủng hộ chủ trương của ông Abe.

 

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm