"Hoạt động này diễn ra ở vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc và đây là hoạt động thăm dò thương mại. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có cái nhìn khách quan và hợp lý về vấn đề này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trơ tráo tuyên bố trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh.
Trước đó, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối Trung Quốc di chuyển giàn khoan HD-981 đến ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan khỏi khu vực này.
Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc. Ảnh: AFP |
"Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan HD-981 ra khỏi khu vực này, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình và có những đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố hôm 7/4.
Giàn khoan HD-981 trị giá 1 tỷ USD di chuyển vào khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ. Ông Lê Hải Bình cho biết từ tối 3/4/2016, giàn khoan HD-981 di chuyển đến vị trí có tọa độ 17º3’12 Bắc - 110º04’18 Đông để hoạt động.
"Đây là khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định", ông Lê Hải Bình nêu rõ.
Hai năm trước, Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong 10 tuần. Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã phản đối mạnh mẽ hành vi sai trái và vi phạm pháp luật quốc tế này.
Vào ngày 5/4, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cũng tổ chức “lễ khánh thành” hải đăng cao 55 m trên đá Xu Bi, có phạm vi chiếu sáng 22 hải lý. Bắc Kinh động thổ xây dựng trái phép hải đăng này từ tháng 10/2015.
Chính quyền Trung Quốc ngụy biện rằng ánh sáng trắng phát ra từ ngọn hải đăng sẽ giúp tàu thuyền dễ dàng định hướng và di chuyển vào ban đêm, hỗ trợ tăng cường an toàn hàng hải trên Biển Đông.