Theo nguồn tin riêng của Zing.vn, lúc 0h13 ngày 3/4, giàn khoan bán chìm HD-981 của Trung Quốc bắt đầu rời tây tây nam Tam Á 3 hải lý, di chuyển về hướng đông nam với vận tốc 3 hải lý/giờ. Đến 5h45 cùng ngày, giàn khoan nằm tại vị trí cách Tam Á 20 hải lý về phía nam đông nam. Nó tiếp tục di chuyển theo hướng nam đông nam với vận tốc 3,6 hải lý/giờ.
Cụ thể, HD-981 sẽ hoạt động tại hai giếng Lăng Thủy 31-1-1 có tọa độ (17o03’03’’Bắc/110o04’49’’Đông) và Lăng Thủy 25-2-1 có tọa độ (17o05’38’’Bắc/110o00’36’’Đông).
Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua |
Trao đổi với với Zing.vn về việc giàn khoan HD-981 di chuyển trên Biển Đông, nguồn tin từ Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết, lực lượng chức năng Việt Nam đang theo dõi các hoạt động của giàn khoan Trung Quốc.
Bản đồ Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đang hoạt động ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Đồ họa: WSJ |
Nguồn tin cho biết thêm, vị trí giàn khoan HD-981 đang di chuyển nằm ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nó thuộc khu vực chồng lấn mà phía Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán. Những thông tin cụ thể hơn về hoạt động của HD-981 vẫn đang được phía Việt Nam theo dõi.
Trung Quốc nhiều lần đưa giàn khoan bán chìm HD-981 vào Biển Đông kèm theo lệnh cấm tàu thuyền tiếp cận, gây cản trở cho giao thông trên biển. Trung Quốc cũng từng hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014. Các hoạt động phi pháp này diễn ra trong suốt 75 ngày bất chấp các hoạt động xua đuổi của tàu công vụ Việt Nam.
HD-981 là giàn khoan nửa nổi nửa chìm, có chiều dài 114 m, chiều rộng 90 m, chiều cao 137 m và khối lượng 31.000 tấn. Diện tích mặt sàn của nó bằng một sân bóng đá tiêu chuẩn.
Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hạ thủy giàn khoan HD-981 vào giữa năm 2012. Hiện tại, HD-981 thuộc quyền quản lý của công ty dịch vụ Bãi dầu Trung Quốc (COSL), đơn vị trực thuộc CNOOC.