Lúc 14h ngày 10/7, Ủy ban Thủy lợi Trường Giang thuộc Bộ Thủy lợi đã nâng mức ứng phó với lũ trên sông Trường Giang lên cấp 2, mức cao thứ hai trong thang 4 cấp, theo China Daily.
Trung Quốc cũng nâng mức cảnh báo lũ ở hồ Bà Dương thuộc tỉnh Giang Tây và các con sông gần đó từ màu cam sang màu đỏ - mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo thời tiết được mã hóa thành 4 màu tại nước này.
Lụt ở huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây. Ảnh: China News. |
Đê Trung Châu tại huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây, bị vỡ và hơn 8.000 người đã được sơ tán đến các khu vực an toàn hơn, theo Cục Quản lý Khẩn cấp tỉnh này.
Hôm 9/7, mực nước tại đê đạt 23,39 mét, cao hơn 3,89 mét so với mức cảnh báo. Tại trấn Cổ Huyện Độ gần đó, mực nước là 23,43 mét, cao hơn 0,25 mét so với kỷ lục năm 1998, khi Trung Quốc trải qua trận lụt thảm khốc.
Hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc và là lưu vực lớn của sông Trường Giang, trong lịch sử là khu vực thường xuyên bị lũ lụt.
Khi mùa mưa tiếp tục, các khu vực phía nam của Trung Quốc phải hứng chịu những trận mưa kéo dài trên diện rộng. Một số khu vực chỉ có thời gian ngắn mưa ngừng, theo Cơ quan Khí tượng Quốc gia.
Bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, mực nước ở nhiều trạm thuộc khu vực trung và hạ du sông Trường Giang đã tăng nhanh, theo ủy ban.
"Mực nước tại trạm quan sát Thất Lý Sơn ở lối dẫn vào hồ Động Đình và hồ Bà Dương đã vượt mức cảnh báo", thông báo do ủy ban công bố hôm 11/7 cho biết.
Ước tính mực nước tại một số trạm dọc theo sông Trường Giang sẽ tiếp tục tăng 0,5-1 mét trong vài ngày tới.
Đoạn đường bị nhấn chìm trong khi khu vực xung quanh chìm trong biển nước ở Bà Dương, Giang Tây. Ảnh: China News. |
Tính đến chiều 9/7, 140 người đã thiệt mạng hoặc được báo cáo mất tích ở Trung Quốc do lũ lụt, hơn 30 triệu người trên khắp đất nước bị ảnh hưởng.
Tính đến 14h ngày 9/7, hơn 1,7 triệu người ở 27 tỉnh thành đã được sơ tán do lũ lụt, theo bộ. Ít nhất 250.000 ngôi nhà bị phá hủy và khoảng 2,6 triệu ha hoa màu bị ảnh hưởng.
Ước tính lũ lụt đã gây ra tổng thiệt hại kinh tế hơn 61,8 tỷ nhân dân tệ (8,8 tỷ USD).