Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục diễn biến căng thẳng sau khi Bắc Kinh tối 13/5 tuyên bố sẽ đánh thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, đáp trả việc Washington tăng mức thuế đã áp với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc cách đây ít ngày.
Sau tuyên bố được đưa ra bởi Bộ Tài chính Trung Quốc, Tân Hoa xã rạng sáng 14/5 đăng bài bình luận với tiêu đề "Nhìn thấu trò đổ lỗi cho nạn nhân của Mỹ". Bài viết cho rằng Washington mới là bên "trước sau bất nhất" và phải chịu trách nhiệm cho việc đàm phán thương mại không đạt được kết quả.
Chính sách bắt nạt điển hình
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc rút lại những cam kết mà nước này đưa ra trong nhiều tháng đàm phán, khiến thỏa thuận thương mại đổ vỡ. Vì lý do đó, ông Trump quyết định tăng mức thuế đã áp với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%, kể từ ngày 10/5.
"Chỉ cần chưa ký kết thỏa thuận cuối cùng, việc chỉnh sửa, thay đổi các điều khoản là điều hết sức bình thường", bài viết nêu. "Mỹ hở ra là 'lật bàn', ngược lại còn chỉ trích Trung Quốc 'nuốt lời', hoàn toàn là đảo lộn sự thật, đổ lỗi cho nạn nhân".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10/5. Bắc Kinh trả đũa bằng cách đánh thuế 5-25% với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, Tân Hoa xã cũng có bài bình luận tiêu đề "Áp lực tối đa với Trung Quốc sẽ không có tác dụng", cho rằng Bắc Kinh đã thể hiện "thành ý cao nhất và hoàn thành các nghĩa vụ để giải quyết căng thẳng".
"Mỹ cần chịu mọi trách nhiệm về kết quả này. Khi họ phớt lờ thành ý và hành động của Trung Quốc, dùng chiêu bất ngờ đảo ngược cam kết và gây sức ép tối đa cho Trung Quốc trong đàm phán, họ đã cho thấy chính sách bắt nạt điển hình trong thương mại", bài viết có đoạn.
Bài viết cũng nói dù đang chịu sức ép lớn, Trung Quốc sẽ "kiên quyết bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình, bảo vệ lợi ích cơ bản của nhân dân và không bao giờ thỏa hiệp trong các vấn đề nguyên tắc".
Quan điểm này gợi nhắc phát biểu của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 13/5. Khi được hỏi về việc ông Trump đe dọa đánh thuế toàn bộ hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ, ông Cảnh nói Bắc Kinh "sẽ không bao giờ đầu hàng trước sức ép từ bên ngoài".
Không tiếp tục "mơ giữa ban ngày"
Trong một bài xã luận sáng 14/5, Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, không nói về quyết định đánh thuế trả đũa của Bắc Kinh mà phản bác quan điểm của Mỹ về thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Đây là một trong những lý do chính quyền Trump viện dẫn để phát động cuộc chiến thuế quan từ giữa năm ngoái.
Tờ báo cho rằng thâm hụt thương mại của Mỹ "không sinh ra và cũng sẽ không chấm dứt" tại Trung Quốc, mà là kết quả từ việc "chi tiêu quá mức, tiết kiệm không đủ" của người dân Mỹ. Mỹ "không có lý do nào để đổ lỗi cho các nước khác về thâm hụt thương mại", bài viết dẫn lời một giáo sư tại Harvard.
"Trong 40 năm qua, quy mô giao thương Trung - Mỹ đã tăng hơn 230 lần. Nếu đây không phải là tình thế 'cùng thắng' mà là tình thế 'một mất một còn', làm sao có được sự biến chuyển đó?", Nhân dân Nhật báo bình luận.
Từ trái qua: Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - những nhà đàm phán chủ chốt của hai bên. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, Hoàn cầu Thời báo, phụ san của Nhân dân Nhật báo, vốn nổi tiếng vì quan điểm dân tộc chủ nghĩa, như thường lệ có các bài bình luận với ngôn từ mạnh mẽ.
"Trung Quốc không nên tiếp tục nằm mơ giữa ban ngày rằng căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ có thể được giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao", một bài viết nêu. "Lịch sử Trung Quốc cho chúng ta thấy rằng sự chùn bước sẽ tạo điều kiện cho thế lực ngoại bang hà hiếp".
Bài viết cũng kêu gọi đóng góp cho sự phát triển của Trung Quốc, nói rằng chỉ khi đất nước trở nên thịnh vượng hơn thì mới có thể đánh bại "tham vọng kìm kẹp Trung Quốc của Mỹ và "những người đó mới bằng lòng từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh".