Wei Jianguo, cựu thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc phụ trách ngoại thương, nói Bắc Kinh có nhiều vũ khí thương mại và đã chuẩn bị kế hoạch dự phòng nếu chiến tranh thương mại leo thang.
“Trung Quốc không chỉ là bậc thầy kungfu thừa khả năng đối phó với các đòn đánh của Mỹ, mà còn là tay đấm bốc lão luyện có thể ra đòn quyết định”, ông Wei nói với South China Morning Post. Theo ông, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại kéo dài.
Những đòn quyết định của Trung Quốc
Các sản phẩm nông nghiệp Mỹ sẽ là mục tiêu của Trung Quốc, đặc biệt là lúa mì, ngô và thịt lợn, theo ông Wei. Nhắm vào những sản phẩm này là nhắm vào bộ phận cử tri quan trọng của Tổng thống Trump trước kỳ bầu cử 2020, khi chính sách với Trung Quốc được dự đoán có ảnh hưởng lớn.
Tổng biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo Hu Xijin viết trên Twitter rằng Bắc Kinh cũng đang cân nhắc việc dừng mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, đồng thời cắt giảm các đơn hàng máy bay Boeing. Guardian nhận định đây sẽ là đòn giáng mạnh lên nông dân Mỹ.
Theo ông Wei, Trung Quốc có thể trừng phạt máy bay và xe hơi của Mỹ, khiến những sản phẩm này khó vào thị trường Trung Quốc.
Boeing, biểu tượng của ngành hàng không Mỹ, lẽ ra sẽ “bội thu” sau thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Trung Quốc đã chuẩn bị mua 100 máy bay Boeing trị giá 10 tỷ USD, nhằm đáp ứng yêu cầu thu hẹp nhập siêu của Mỹ.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer trao đổi sau ngày thứ hai của cuộc đàm phán ở Washington hôm 10/5. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc cũng có thể tấn công vào các ngành dịch vụ, đặc biệt là tài chính, du lịch và văn hóa, theo ông Wei. Thỏa thuận thương mại lẽ ra có thể thúc đẩy Trung Quốc tự do hóa một số ngành dịch vụ, chẳng hạn tài chính.
Các nhà phân tích cũng cảnh báo một quy trình xét duyệt an ninh quốc gia có thể cho phép Trung Quốc đóng băng các khoản đầu tư của Mỹ nhiều hơn trước đây, như một cách để trả đũa.
Một thông báo tháng tư từ Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, cơ quan lên kế hoạch kinh tế ở Trung Quốc, cho biết cơ quan này sẽ bắt đầu nhận hồ sơ xin xét duyệt an ninh quốc gia từ các dự án đầu tư, do “một điều chỉnh về mặt cơ cấu tổ chức”.
Quy trình xét duyệt đầu tư nước ngoài này có thể trở nên thiếu minh bạch hơn, giữa lúc Trung Quốc đang nỗ lực bảo vệ sự ổn định về kinh tế, ưu tiên hàng đầu của chính quyền.
Sẵn sàng cho việc đàm phán đổ vỡ
Trong khi đó, bài xã luận 8.000 từ trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã vạch ra lập trường chính thức của nước này sau khi Tổng thống Trump tăng thuế đối với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc ngày 10/5.
Bài xã luận cho rằng quyết định của ông đã làm giảm uy tín của Mỹ và làm gián đoạn quá trình đàm phán, nhưng cũng nói lợi ích chung của hai nước lớn hơn các khác biệt và nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại trong quan hệ song phương.
Bài viết cho biết Trung Quốc không có ý định thay thế Mỹ, nhưng Washington cũng không nên cố thay đổi hay ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
“Hai bên đều nên giữ sự ổn định, không để bị lẫn lộn vì một thời điểm hay một vụ việc”.
Bài viết cũng nhắc đến khác biệt về thể chế chính trị giữa hai quốc gia trong bối cảnh chiến tranh thương mại. “Hệ thống chính trị Trung Quốc cho chúng ta lợi thế độc nhất, cho chúng ta quyết tâm đối diện rủi ro và thách thức”.
Chỉ số chứng khoán CSI300 của Trung Quốc giảm 1,6% ngày 13/5 trước khi các biện pháp đáp trả chính thức của Trung Quốc được công bố. Ảnh: AP. |
Giới phân tích cho rằng lời lẽ trong bài xã luận chứng tỏ Trung Quốc vẫn hy vọng đạt được thỏa thuận về thương mại.
“Trung Quốc không muốn quan hệ kinh tế và thương mại với Mỹ bị ảnh hưởng, nhưng trên hết, nước này không muốn quan hệ này trở nên đối đầu và thù địch”, Wei Zongyou, học giả quan hệ quốc tế tại ĐH Phúc Đán ở Thượng Hải, nói với SCMP.
Đàm phán đổ vỡ sau khi phía Trung Quốc bỏ các cam kết khỏi thỏa thuận dài 150 trang, bao gồm cam kết về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ cưỡng ép, tiếp cận thị trường, và thao túng tỷ giá, theo Reuters.
Tổng thống Trump hôm 10/5 đã ra lệnh khởi động quá trình tăng thuế đánh vào "tất cả các hàng hóa còn lại của Trung Quốc", trị giá 300 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi lệnh tăng thuế trừng phạt lên một số hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD vừa có hiệu lực.
Thông tin trên được Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer xác nhận. Ông cho biết quy trình công bố và lấy ý kiến sẽ được đăng tải trên website đăng ký liên bang. Chi tiết về lệnh tăng thuế mới sẽ được công bố trên website của Đại diện Thương mại Mỹ trong ngày 13/5.
Cui Fan, giáo sư thương mại quốc tế từ Trường Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế tại ĐH Bắc Kinh, nói Trung Quốc đã sẵn sàng nếu đàm phán đổ vỡ hoàn toàn.
“Thái độ của Trung Quốc vẫn không thay đổi, và họ sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để đàm phán, đồng thời chuẩn bị sẵn tâm lý cho khả năng đối thoại không thành”, ông nói.