Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TT Trump: ‘Nhiều công ty chịu thuế sẽ rời bỏ TQ, tìm đến Việt Nam'

Tổng thống Mỹ tiếp tục công kích Trung Quốc sau khi đàm phán ở Washington nhằm tránh chiến tranh thương mại đổ vỡ ngày 10/5 và thuế do Mỹ đánh vào 200 tỷ USD hàng TQ tăng lên 25%.

Mở đầu bốn tweets liên tiếp sáng sớm ngày 13/5 (giờ Washington), ông Trump cho rằng Trung Quốc mới là bên chịu thiệt hại nhất từ việc Mỹ tăng thuế, phản bác lại bình luận trên truyền hình của cố vấn kinh tế trưởng Larry Kudlow ngày 12/5.

“Không có lý do gì người dùng Mỹ lại trả tiền thuế... Điều này đã được chứng tỏ gần đây khi chỉ 4% là do Mỹ chịu, còn 21% là do Trung Quốc chịu vì Trung Quốc trợ giá sản phẩm khá nhiều”, tổng thống Mỹ viết trên Twitter.

Người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ chịu ảnh hưởng nhất?

Ông đang nhắc lại các con số do chính ông đưa ra từ “một báo cáo” trong bài phát biểu ở Nhà trắng vào tháng ba, nhưng không nêu chi tiết về “báo cáo”.

My tang thue hang Trung Quoc anh 1
Ông Trump cho rằng Trung Quốc mới là bên chịu thiệt hại nhất từ việc Mỹ tăng thuế. Ảnh: AP.

Các nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng nhất bởi chính sách thuế của ông Trump, theo hãng tin AP.

Ngày 12/5, chính ông Kudlow cũng thừa nhận Trung Quốc không phải bên chi trả thuế, trái ngược với Tổng thống Trump, vốn luôn nói Trung Quốc sẽ trả thuế và do vậy sẽ làm nước Mỹ giàu lên.

“Cả hai bên đều chịu chi phí”, ông Kudlow nói với kênh Fox News. “Trung Quốc sẽ thiệt hại kinh tế vì thị trường xuất khẩu giảm đi”.

Ông Trump cũng nhắc đến Việt Nam trong những tweet trên, và nói cách để các công ty Mỹ tránh thuế là nhập khẩu từ những nước không bị đánh thuế.

“Nhiều công ty chịu thuế sẽ rời bỏ Trung Quốc và tìm đến Việt Nam hay các nước châu Á khác. Vì vậy Trung Quốc đang rất muốn có thỏa thuận. Sẽ không có ai mua hàng Trung Quốc nữa”, ông Trump viết tiếp trên Twitter.

“Bạn đã có một thỏa thuận tốt, gần như hoàn tất, và bạn lại bỏ đi”, ông Trump viết.

Tuy nhiên, Carl Weinberg, kinh tế gia trưởng ở công ty dự báo High Frequency Economics, chỉ ra rằng nhiều hàng sản xuất ở Trung Quốc không được làm ở nước nào khác. Vì vậy, các công ty Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài trả tiền thuế, theo AP.

“Nếu bạn muốn mua chiếc iPad mới đó, chính bạn sẽ phải trả tiền thuế nhập khẩu, không phải công nhân nào đó ở Trung Quốc”, Weinberg viết trong một nghiên cứu.

My tang thue hang Trung Quoc anh 2
Một người theo dõi bảng điện tử chỉ số chứng khoán ở sàn Bắc Kinh ngày 13/5. Phần lớn chứng khoán khu vực đã rớt trong ngày. Ảnh: AP.

Trung Quốc sẽ đáp trả

Trung Quốc tuần trước tuyên bố sẽ đáp trả bằng các “biện pháp cần thiết”, mặc dù chưa nêu rõ đó là những biện pháp nào.

“Trung Quốc sẽ không bao giờ đầu hàng trước áp lực từ bên ngoài”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong buổi họp báo thường kỳ ngày 13/5.

“Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng áp thuế sẽ không giải quyết vấn đề gì”, ông Cảnh nói, và cho biết thêm Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ cùng hợp tác để đạt được “thỏa thuận đôi bên cùng có lợi”.

Theo Guardian, ông Trump nói Trung Quốc sẽ gánh chịu 21% trong khoản tăng thuế 25%.Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng điều này không đúng, và công ty Mỹ sẽ gánh chịu thiệt hại khi nhập khẩu hàng hóa.

Con số 21% dường như từ một báo cáo năm 2018 từ dữ liệu quá khứ, David Weinstein, giáo sư kinh tế ở ĐH Columbia nói với Bloomberg.

Các dữ liệu thực tế năm 2017 và 2018 cho thấy các công ty nước ngoài không hạ giá, và người tiêu dùng, doanh nghiệp Mỹ chịu phần tăng giá do thuế.

Cũng theo Bloomberg, một nghiên cứu tháng ba của Pinelopi Goldberg, kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, Pablo Fajgelbaum của ĐH California - Los Angeles, Patrick Kennedy của ĐH California - Berkeley, và Amit Khandelwal của Trường Kinh doanh ĐH Columbia cũng có kết luận tương tự.

Họ thậm chí còn đi xa hơn: sau khi tính cả các biện pháp đáp trả, người chịu thiệt hại nhiều nhất là nông dân và các công nhân sống ở chính các khu vực đã ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.

Một nghiên cứu mới của ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới Goldman Sachs cho thấy giá cả trong siêu thị ở Mỹ đã tăng kể từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu, và các công ty Trung Quốc đã không hạ giá như ông Trump tuyên bố.

Tương tự các nghiên cứu trên, Goldman cũng kết luận thuế đánh vào tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc năm ngoái “hoàn toàn” do doanh nghiệp và người dùng Mỹ gánh chịu.

Số liệu chính thức mới nhất của Việt Nam cho thấy xuất khẩu sang Mỹ tăng 29% trong tháng tư so với cùng kỳ năm trước, trong khi đầu tư nước ngoài tăng 215%, trong lĩnh vực chế tạo, theo South China Morning Post.

Một nghiên cứu của Economist Intelligence Unit cuối năm ngoái cho thấy nhiều nước ở châu Á có thể hưởng lợi bằng cách thế chỗ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.

Malaysia và Việt Nam được dự đoán sẽ được lợi nhiều nhất trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, còn Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam có tiềm năng gia tăng xuất khẩu hàng may mặc. 

Tuy nhiên, việc chuyển sản xuất sang các nước này có thể vẫn chưa đủ để bù đắp sự chững lại trong tăng trưởng của khu vực. Ngân hàng Phát triển châu Á hạ thấp dự đoán tăng trưởng kinh tế châu Á năm nay từ 5,7% xuống 5,6%, do các yếu tố như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và sự bất trắc của Brexit.

Hai 'quân bài' Trung Quốc có thể dùng để đáp trả việc Mỹ tăng thuế

Bắc Kinh từ lâu đã có hai vũ khí tài chính khiến Mỹ lo ngại: trái phiếu Mỹ và tỷ giá đồng tệ. Song trong chiến tranh thương mại, việc chúng có hiệu quả đến đâu là điều khó đoán.

Đàm phán thương mại kết thúc sớm sau khi Mỹ tăng thuế hàng TQ

Đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bất ngờ kết thúc sớm tại Washington ngày 10/5, vài giờ trước khi phái đoàn Trung Quốc dự kiến sẽ bay về nước.


Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm